THÔNG TIN VỀ VỤ CHUYỂN NHƯỢNG CỔ PHẦN GIỮA TIKI VÀ MỘT PHÁP NHÂN SINGAPORE HIỆN ĐANG NHẬN ĐƯỢC SỰ QUAN TÂM CỦA GIỚI KINH DOANH NÓI CHUNG. TIKI NÓI GÌ?
Theo thông tin từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng thuộc Bộ Công thương, Công ty Tiki Global Pte.Ltd. và Công ty Cổ phần Tiki đã tiến hành nộp và được tiếp nhận đối với hồ sơ thông báo tập trung kinh tế. Trong phi vụ lần này, Tiki phát hành thêm cổ phiếu ra thị trường dưới hình thức chào bán riêng lẻ và Công ty Tiki Global sẽ sở hữu 90,5% cổ phần của sàn thương mại điện tử này sau khi nhận chuyển nhượng. Nói cách khác, sau khi hoàn thành các thủ tục cần thiết giữa các bên cũng như tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại Việt Nam, Tiki Global sẽ chính thức trở thành chủ sở hữu của Tiki. Căn cứ theo quy định pháp luật cạnh tranh Việt Nam hiện hành, vụ việc này hoàn toàn hợp pháp, đồng nghĩa với việc tương lai Tiki hoạt động dưới sự kiểm soát, điều hành và chi phối của Tiki Global không còn xa. Tuy nhiên, phía Tiki hiện chưa đưa ra bất cứ phát ngôn chính thức nào về thương vụ này. Bên cạnh đó, Công ty “chủ quản tương lai” của Tiki được biết là một Công ty Singapore thành lập vào tháng 5 dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, trụ sở đặt trong một toà nhà phức hợp (số 10 Anson Road), Singapore và trên thực tế chưa có bất kỳ hoạt động nào tại thị trường Việt Nam.
Với phạm vi hoạt động và phủ sóng của mình, Tiki hiện chỉ xếp sau Shopee và Lazada – hai sàn thương mại điện tử top đầu tại Việt Nam, về chỉ số lượt sử dụng ứng dụng di động. Đồng thời, số liệu thống kê Quý I năm 2021 cho thấy lượt truy cập qua website bình quân của Tiki chỉ đứng sau Shopee với chênh lệch rơi vào khoảng 44,7 triệu/tháng. Điều này lí giải cho việc các nhà đầu tư nước ngoài không ngần ngại “rót vốn” nhằm tham gia việc vận hành cũng như chi phối phần nào hoạt động của sản thương mại điện tử này. Hiện nay, các cổ đông nước ngoài nắm trong tay tỷ lệ cổ phần trong Tiki lên tới 49,4%, trong đó:
- JD.com: 18,2% cổ phần, cũng chính là cổ đông nước ngoài lớn nhất hiện nay
- Ubiquitous Traders: 9,9% cổ phần
- Success Elite Holdings: 4,5% cổ phần
- Finup Asia Investment: 3,7% cổ phần
- Sumitomo: 3,1% cổ phần
Trước khi tiến hành đợt chào bán lần này, Tiki cũng vừa thành công huy động 1.000 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn 2 năm và lãi suất ở khoảng 13%/năm. Tài sản bảo đảm của số trái phiếu này gồm hơn 2,1 triệu cổ phần của Tiki với trị giá 602.839 đồng/cổ phần. Như vậy, với gần 23 triệu cổ phần đang lưu hành, có thể ước tính giá trị của sàn thương mại điện tử này rơi vào khoảng 13.859 tỷ đồng (tương đương 602 triệu USD). Mặc dù vậy, với sự biến động của thị trường theo từng thời điểm, cùng với những ảnh hưởng rõ rệt của đại dịch Covid-19, Tiki cũng không tránh khỏi vòng xoáy thua lỗ, đỉnh điểm là năm 2019 với khoản thiệt hại cụ thể lên tới hơn 1700 tỷ đồng, tăng vọt hơn 1000 tỷ đồng so với năm 2018 và hơn 1500 tỷ đồng so với năm 2017.
Hà Linh
0 Nhận xét