TP HCM: DOANH NGHIỆP TĂNG TỐC HOẠT ĐỘNG TRỞ LẠI SAU NỚI LỎNG GIÃN CÁCH
Đêm trước ngày 01/10 có lẽ là thời điểm ông Phạm Quang Anh – Giám đốc Công ty May mặc Dony (trụ sở tại Quận Tân Bình) có giấc ngủ trọn vẹn nhất trong nhiều tháng qua. Cụ thể, TPHCM mới đây đã chính thức ban hành Chỉ thị 18 quy định chi tiết về triển khai phương án nới lỏng nhiều quy định giãn cách trong thời gian sắp tới cũng đồng nghĩa với việc ông Quang Anh cùng nhân viên của mình được "xả trại" và trở về nhà sau hơn 60 ngày sinh hoạt tại công ty. Sáng chủ nhật ngày 03/10, ông và các nhân viên tập trung tại xưởng ở quận Tân Bình để dọn dẹp, vệ sinh máy móc, sắp xếp lại mọi thứ, chuẩn bị bắt đầu một tuần làm việc "bình thường mới". Ông Quang Anh cho biết thật sự may mắn khi toàn bộ lực lượng người lao động hơn 100 người vẫn trụ vững tại TPHCM chờ ngày quay trở lại làm việc. Bên cạnh đó, ngoại trừ một bộ phận nhỏ nhân viên thuộc trường hợp F0 hoặc có người nhà nhiễm bệnh, gần như toàn bộ công nhân có thể lập tức trở lại làm việc.
Dù khẳng định không lo thiếu đơn hàng từ giờ tới cuối năm, Giám đốc Công ty Dony vẫn canh cánh nỗi lo sợ khi không may phải đóng cửa một lần nữa trong trường hợp tình hình dịch bệnh xấu đi. Ông thừa nhận: "Sợ nhất là mở ra rồi lại phải đóng. Bởi khách hàng đã kiên nhẫn chờ mình qua đợt dịch một lần nhưng nếu phải đóng tiếp dẫn tới không giao hàng cho họ thì mất hết uy tín”.
Tương tự trường hợp của Công ty May mặc Dony, ngay sau thời điểm thành phố nới lỏng giãn cách, Chủ tịch Công ty Cơ khí Duy Khanh – ông Đỗ Phước Tống lập tức thông báo cho những nhân viên hiện đang thực hiện "3 tại chỗ" đảm bảo tiêm đủ 2 mũi vắc xin cũng như nhà ở "vùng xanh" được về nhà. Ngược lại, đối với nhóm nhân viên có nhà ở "vùng đỏ" theo bản đồ dịch bệnh và mới chỉ hoàn thành một mũi tiêm tiếp tục ăn ở tập trung tại công ty thêm thời gian ngắn để chờ tình hình ổn định hơn. Ông Tống cho biết trong suốt thời gian áp dụng biện pháp "3 tại chỗ", công ty của ông vẫn may mắn duy trì được tới 80% lực lượng người lao động. Sau khi nới lỏng giãn cách, công suất hoạt động dự kiến có thể lên tới 90% bởi những nhân viên chưa tiêm đủ 02 mũi vaccine vẫn chưa vào công ty trở lại.
Theo ông, việc khôi phục được 90% trong thời điểm hiện nay đã là rất tốt, còn tỷ lệ hồi phục hoàn toàn 100% công suất như trước được nhận định là rất khó cũng như phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Không chỉ dừng lại ở đó, trong suốt khoảng thời gian vừa qua, công ty liên tục gặp khó khăn về dòng tiền và tình trạng này có thể kéo dài trong thời gian sắp tới khi công ty vẫn phải đảm bảo nghĩa vụ trả tiền đầy đủ cho nhà cung ứng và ngân hàng, trong khi đó khách hàng chưa thanh toán.
"Bình thường mới thì cũng phấn khởi nhưng cũng không ít lo lắng. Lo lắng vì không biết diễn biến tiếp theo. Chúng tôi phải liên tục nhắc nhở công nhân cũng như yêu cầu anh em công nhân cam kết rất kỹ để tự đảm bảo an toàn. Có lẽ tình hình nhìn chung cũng sẽ ổn hơn", ông Tống cho biết
Cùng chung quan điểm như hai chủ doanh nghiệp nêu trên, bên cạnh những hy vọng vào tương lai xán lạn trong khôi phục nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố vẫn không khỏi lo ngại. Trong Hội nghị đối thoại với các đại biểu Quốc hội của TPHCM diễn ra ngày 02/10, đại diện hơn 10 hiệp hội doanh nghiệp đặt ra hàng loạt khúc mắc đã và đang cần được các cơ quan quản lý tháo gỡ.
Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm – bà Lý Kim Chi đề xuất thành phố tính đến phương án dài hơi, kiên định tiến tới bình thường mới, đồng thời xác định tinh thần sống chung với đại dịch. Bà bày tỏ sự quan ngại rõ rệt khi nhận định doanh nghiệp hiện nay đã kiệt quệ và hoàn toàn có thể ngã quỵ nếu bị giáng thêm một đòn nữa. Theo đó, bà đưa ra kiến nghị cần sớm có hướng dẫn chính thức về thích ứng an toàn với đại dịch để doanh nghiệp có thể nắm thế chủ động ứng phó. Bên cạnh đó, bà cho biết các quy định phòng chống dịch phải bảo đảm đồng nhất từ cấp Trung ương đến địa phương, ngăn chặn tình trạng một số tỉnh đóng cửa cực đoan, “vẽ ra” thêm các loại giấy phép và quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Quốc Khanh – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM đưa ra ý kiến cần nhanh chóng bao phủ vaccine cho thành phố cũng như toàn bộ chuỗi cung ứng liên vùng để có thể sớm thực hiện kế hoạch đưa công nhân từ các tỉnh trở lại thành phố làm việc. Ông cũng cho rằng cần đơn giản hóa mọi thủ tục xét nghiệm, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận các bộ kit xét nghiệm hiệu quả với chi phí hợp lý.
Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam Chất lượng cao Vũ Kim Hạnh mong Chính phủ quan tâm hơn nữa đến việc phân bổ vaccine cho người dân tại các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ. Bởi hiện nay, nhiều chuyên gia ở đồng bằng sông Cửu Long không thể quay lại TPHCM vì chưa được tiêm vaccine. Ngoài ra, vấn đề liên thông giữa TPHCM và các tỉnh thực tế vẫn chưa được giải quyết. Việc duy trì chuỗi cung ứng hiện nay bị phụ thuộc theo chính sách của từng tỉnh, thành. Nếu để tình trạng này tiếp diễn, nguyên liệu, công nhân, chuyên gia không thể lưu thông, doanh nghiệp cũng không giao được hàng, đối diện nguy cơ mất hợp đồng, đối tác.
Hà Linh
0 Nhận xét