NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC MỚI ĐÂY ĐÃ TRÌNH QUỐC HỘI KẾT QUẢ TÁI CƠ CẤU NGÂN HÀNG
Trong báo cáo gần đây trình Quốc hội, bên cạnh đề xuất về việc cổ phần hóa ngân hàng Agribank, Ngân hàng Nhà nước cũng đã trình bày cụ thể kết quả thực hiện kế hoạch cơ cấu lại đối với 03 ngân hàng thương mại mua bắt buộc và ngân hàng Đông Á (DAB).
Đối với việc cổ phần hóa ngân hàng Agribank, nội dung báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết đã chỉ đạo Agribank phối hợp với Bộ Tài chính cùng Uỷ ban nhân dân các tỉnh nhanh chóng tiến hành các thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt phương án sắp xếp cơ sở nhà, đất theo quy định. Tính đến ngày 31/08, Bộ Tài chính đã chính thức phê duyệt phương án sắp xếp đối với 2.094 trên tổng số 2.174 cơ sở nhà, đất. Riêng đối với 80 cơ sở nhà đất chưa được phê duyệt còn lại, Ngân hàng Nhà nước đã trực tiếp chỉ đạo nhằm hướng dẫn ngân hàng Agribank kịp thời rà soát lại các cơ sở này để tiếp tục phác thảo, đề xuất phương án sắp xếp nhà đất theo quy định, từ đó đẩy mạnh tiến độ cổ phần hóa.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cho biết về cơ bản, các ngân hàng thương mại cổ phần hiện nay đều đã và đang duy trì, bám sát phương án được duyệt, tập trung củng cố, chấn chỉnh một cách toàn diện các khía cạnh như tài chính, quản trị, xử lý nợ xấu,……, song song với áp dụng các biện pháp kiểm soát nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, hiệu quả kinh doanh cũng như năng lực cạnh tranh, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động. Bên cạnh đó, sau quá trình tổng hợp ý kiến của các bộ ngành liên quan, Ngân hàng Nhà nước đã trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất điều chỉnh, bổ sung một số giải pháp trong phương án cơ cấu lại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại chúng Việt Nam đã được phê duyệt giai đoạn trước; cùng với đó, tăng cường hợp tác với Bộ Công an trong quá trình giám sát tăng cường đối với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn, Quốc Dân.
Trong báo cáo lần này, Ngân hàng Nhà nước cũng đề cập tới một số vấn đề liên quan trực tiếp tới nhóm ngân hàng thương mại mua bắt buộc gồm Ngân hàng Xây dựng (hiện nay là CBBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) cùng Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Á (DAB). Cụ thể, trên cơ sở chủ trương của các cấp có thẩm quyền và quy định pháp luật hiện hành, các ngân hàng đẩy mạnh việc tìm kiếm đối tác, đàm phán với các nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài đang có nguyện vọng tham gia kế hoạch cơ cấu lại ngân hàng. Không chỉ dừng lại ở đó, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo nhóm ngân hàng này sắp xếp lại mạng lưới hoạt động nhằm tiết kiệm chi phí trong quá trình triển khai các hoạt động kinh doanh an toàn, trên nguyên tắc quyết liệt, thận trọng, chặt chẽ.
Ngoài những nội dung nêu trên, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã phản hồi với các đề xuất và kiến nghị của các nhà đầu tư có nguyện vọng tham gia cơ cấu lại các ngân hàng, yêu cầu các bên phối hợp, xây dựng và hoàn thiện phương án cơ cấu lại. Ngân hàng Nhà nước cũng đang khẩn trương phối hợp các bộ, ngành và cơ quan liên quan để nhanh chóng hoàn thiện phương án xử lý, cơ cấu lại của Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Đại Dương theo định hướng mới; tiếp tục chỉ đạo Ngân hàng Dầu khí toàn cầu và DAB xây dựng, hoàn thiện phương án cơ cấu lại để xem xét, đánh giá và trình cấp có thẩm quyền.
0 Nhận xét