CÁC CA NHIỄM MỚI GIẢM DẦN CHO THẤY DẤU HIỆU TÍCH CỰC TRONG CUỘC CHIẾN CHỐNG ĐẠI DỊCH CỦA CHÂU MỸ
Tính đến thời điểm hiện tại, dù tỷ lệ người dân Mỹ Latin và Carribe hoàn thành đầy đủ 02 mũi tiêm chủng mới chỉ đạt 37%, số ca nhiễm mới ghi nhận trên toàn châu Mỹ đã có dấu hiệu suy giảm trong một tháng vừa qua. Cụ thể ngày 07/10, Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) cho biết trong tuần qua toàn châu Mỹ có tổng cộng 1,2 triệu người nhiễm Covid-19, đồng nghĩa với giảm khoảng 300.000 ca so với mức 1,5 triệu được thống kê chỉ một tuần trước đó.
Mỹ – vùng dịch lớn nhất châu Mỹ nói riêng và thế giới nói chung, hiện là một trong số quốc gia chứng kiến xu hướng dịch giảm. Số ca nhiễm mới bình quân mỗi ngày trong tuần qua là hơn 101.000 ca, tương đương với giảm 24% so với hai tuần trước; trong khi đó, số ca tử vong và số ca nhập viện giảm lần lượt 12% và 20%. Mặc dù vậy, thay vì chủ quan hay yên tâm, giới chức y tế cộng đồng vẫn liên tục cảnh báo về tình trạng nguy hiểm rình rập mà Mỹ đang đối mặt. Bởi thực tế khoảng 68 triệu người Mỹ dù đủ điều kiện nhưng chưa tiêm vaccine cho thấy quốc gia này hoàn toàn có thể bị đe dọa bởi các đợt bùng phát tiềm ẩn trong tương lai; bên cạnh đó, đa phần số ca tử vong tại nước này xuất hiện ở nhóm người chưa tiêm chủng.
Thời gian gần đây, Mỹ đã báo cáo tổng cộng 44.884.411 ca nhiễm và 726.800 ca tử vong do đại dịch Covid-19, tăng lần lượt 87.961 và 1.710 trường hợp so với một ngày trước đó. Trong đó, Alaska hiện là bang ghi nhận đợt bùng phát nghiêm trọng nhất ở Mỹ. Với mục tiêu tăng cường và đẩy mạnh tối đa công tác xét nghiệm, ngày 06/10 vừa qua Nhà Trắng đã quyết định mua thêm một tỷ USD bộ kit xét nghiệm nhanh tại nhà, sau hai tỷ USD bộ kit được công bố tháng trước. Với tổng ba tỷ USD đầu tư cùng việc FDA chấp thuận kit xét nghiệm nhanh của ACON, Nhà Trắng dự kiến lượng xét nghiệm Covid-19 tại nhà vào tháng 12 sẽ tăng gấp bốn lần.
Tại các quốc gia khu vực Nam Mỹ, đại dịch tiếp tục diễn biến theo chiều hướng giảm, ngoại trừ Chile đang chứng kiến làn sóng ca nhiễm tăng ở thủ đô Santiago và hai thành phố cảng Coquimbo, Antofagasta.
Tình hình dịch Covid-19 trong phạm vi khu vực châu Á và Trung Đông cũng cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt trong bối cảnh nhiều quốc gia ghi nhận ca nhiễm và tử vong giảm trong hai tuần qua. Indonesia – được biết đến là ổ dịch lớn nhất Đông Nam Á, đang từng bước kiểm soát hiệu quả đợt bùng phát mới nhất do chủng Delta gây ra và bắt nguồn từ tháng 5 năm nay. Hiện tại, số ca nhiễm trung bình trong một tuần trở lại đây đã giảm xuống 1.700 ca, sau khoảng thời gian đỉnh điểm lên tới 50.000 ca/ngày giữa tháng 7. Cùng với đó, số ca tử vong trung bình cũng giảm khoảng 17 lần, cụ thể từ mức 1.700 hồi đầu tháng 8 xuống khoảng 100 ca. Theo giới chức nước này, Indonesia đã tiêm chủng tổng cộng 150 triệu liều vaccine, nắm giữ vị trí trong nhóm 05 quốc gia có số lượng tiêm chủng lớn toàn cầu. Indonesia đặt mục tiêu tiêm chủng cho tất cả người từ đủ 12 tuổi trở lên với điều kiện không có bệnh lý nền, tương đương hơn 208 triệu trên tổng số 270 triệu dân.
Trái ngược với những tín hiệu khả quan tại một số quốc gia châu Mỹ và châu Á, Covid-19 ở châu Âu trong hai tuần qua có xu hướng diễn biến tiêu cực khi số ca nhiễm mới báo cáo trong ngày 06/10 là 147.434 người, tăng mạnh so với con số gần 109.500 người ghi nhận một tuần trước đó. Ba Lan là một trong số những nơi ghi nhận ca nhiễm mới tăng mạnh với mức 70% trong tuần qua, tương đương hơn 2.000 ca mỗi ngày.
Toàn cầu ghi nhận 236.992.066 ca nhiễm và 4.838.369 ca tử vong do đại dịch, tăng lần lượt 405.059 và 7.311 ca. Ngoài ra, số ca bình phục rơi vào khoảng 214.115.121 người theo trang thống kê thời gian thực Worldometers. Gần 6,4 tỷ liều vaccine Covid-19 đã được tiêm chủng trên toàn thế giới, với trung bình 23,6 triệu liều mỗi ngày. Khoảng 46% dân số thế giới đã tiêm chủng tối thiểu một liều, nhưng tỷ lệ này ở nhóm nước thu nhập thấp chỉ khoảng 2,3%.
Hà Linh
0 Nhận xét