HOT

6/recent/ticker-posts

THỰC HƯ SAU CÂU CHUYỆN NGÂN SÁCH TRUNG ƯƠNG ĐANG CẠN KIỆT

TRƯỚC NHỮNG LUỒNG THÔNG TIN VỀ SỰ THIẾU HỤT NGÂN SÁCH TRUNG ƯƠNG, BỘ TÀI CHÍNH NÓI GÌ?

 

Tại phiên họp thứ ba vào ngày 16/09 vừa qua, Ủy ban Thường vụ quốc hội (UBTVQH) đã xem xét phê duyệt dự thảo Nghị quyết của UBTVQH quy định về ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân dưới tác động của đại dịch Covid-19.

Bộ Tài chính cho biết xung quanh nội dung này tồn tại rất nhiều luồng thông tin từ phía báo chí công khai nhận định rằng: Ngân sách Nhà nước hiện đang rơi vào tình trạng cực kỳ khó khăn, thậm chí ngân sách Trung ương đang có nguy cơ cạn kiệt và hiện chỉ có thể hy vọng vào nguồn tiết kiệm chi cùng khoản tiền khoảng 14.620 tỷ đồng đang trình UBTVQH điều chỉnh dự toán thì mới chi được. Theo tìm hiểu, các thông tin này được giới báo chí trích dẫn từ phát ngôn của ông Hồ Đức Phớc – Bộ trưởng Bộ Tài chính trong bài báo cáo với UBTVQH.

THỰC HƯ SAU CÂU CHUYỆN NGÂN SÁCH TRUNG ƯƠNG ĐANG CẠN KIỆT - LUẬT TÂN SƠN

Đứng trước những thông tin có phần sai lệch này, trong chiều ngày 17/09, Bộ Tài chính đã nhanh chóng phát hành văn bản phản hồi, trong đó nhấn mạnh về việc những thông tin trên làm độc giả hiểu sai về tình hình ngân sách Nhà nước. Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết, tại cuộc họp UBTVQH ngày 16/09 với mục tiêu bàn bạc đi đến thống nhất về ban hành chính sách miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân khó khăn do đại dịch Covid-19 bùng phát, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã báo cáo UBTVQH về việc đã chi hết 17.500 tỷ đồng thuộc ngân sách dự phòng Trung ương. Trong khi đó, nhu cầu chi cho công tác phòng chống dịch đối với các lực lượng tham gia phòng chống dịch như công an, quân đội và các địa phương là rất lớn.

Theo đó, Chính phủ đã trình UBTVQH đề xuất cho phép chuyển 14.620 tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm chi thường xuyên sang nguồn dự phòng ngân sách Trung ương để thực hiện các nhiệm vụ chi cấp bách cho công tác phòng chống dịch Covid-19 trước mắt. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, đề xuất này hiện đã được trình lên UBTVQH và có thể được xem xét phê duyệt ngay trong tuần tới. Tuy nhiên, các địa phương và đơn vị vẫn hoàn toàn có thể sử dụng nguồn tài chính được cung cấp từ trước để cân đối chi trong thời gian chờ thông qua cũng như trong bối cảnh ngân sách dự phòng Trung ương đã chi hết.

Về tình hình cán cân ngân sách, theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến thời điểm đầu tháng 9/2021, mặc dù bối cảnh vĩ mô đối mặt với không ít bất lợi nhưng nguồn thu ngân sách vẫn cho thấy xu hướng duy trì ổn định, ước tính đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, tương đương với hoàn thành khoảng 75% kế hoạch thu cả năm, đồng thời tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thu nội địa vượt mức 820.000 tỷ đồng, tăng 12% so cùng kỳ năm ngoái. Theo nhận định của Bộ Tài chính, kết quả thu ngân sách đáng ghi nhận trong thời điểm đại dịch Covid-19 tác động nặng nề lên nền kinh tế nói chung bắt nguồn chủ yếu từ nguồn thu tăng đột biến tại các lĩnh vực: ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, ô tô,…..

THỰC HƯ SAU CÂU CHUYỆN NGÂN SÁCH TRUNG ƯƠNG ĐANG CẠN KIỆT - LUẬT TÂN SƠN

Bộ trưởng Bộ tài chính Hồ Đức Phớc

Cũng trong phiên họp ngày 16/09, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, tính tổng khoản tiền từ các giải pháp đã được UBTVQH, Chính phủ thực hiện theo thẩm quyền và các giải pháp được đề xuất, số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất sẽ hỗ trợ cho nhóm doanh nghiệp và người dân trong năm 2021 lên tới 140.000 tỷ đồng. Tuy nhiên ông cũng thừa nhận ngân sách Nhà nước hiện nay trong tình trạng rất khó khăn; đặc biệt trong bối cảnh 23/63 tỉnh thành đang áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, doanh nghiệp cũng chật vật trong tình cảnh khó khăn chồng chất khó khăn, dẫn tới số thu thuế hiện giảm gần 50% so với trước kia và không cho thấy dấu hiệu tăng trở lại trong thời gian sắp tới.

Về một số nội dung cụ thể như gói hỗ trợ lãi suất, Bộ Tài chính đã bàn với Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ thất bại trong kế hoạch triển khai gói kích cầu 2009, Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị không triển khai, thay vào đó đưa ra các chương trình giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp, với cam kết của các ngân hàng khoảng hơn 24.000 tỷ đồng. Liên quan đến việc quản lý thuế giá trị gia tăng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết sẽ chỉ đạo cơ quan thuế tăng cường công tác và nhân lực quản lý, chống thất thoát, áp dụng nghiêm ngặt những biện pháp để đảm bảo đối tượng thụ hưởng chính sách là người tiêu dùng hàng hóa.

Sau quá trình cân nhắc và bàn bạc, UBTVQH đã nhất trí phê duyệt việc ban hành một số giải pháp miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Dự kiến Nghị quyết sẽ được ký ban hành trước ngày 01/10, ngay sau khi các cơ quan tiếp thu hoàn thiện.

     Hà Linh

Đăng nhận xét

0 Nhận xét