BẤT CHẤP Ý KIẾN TRÁI CHIỀU TỪ TRUNG QUỐC, MỸ - AUSTRALIA VẪN “BẮT TAY” MỞ RỘNG HỢP TÁC QUÂN SỰ
Chỉ một ngày sau thời điểm Trung Quốc công khai chỉ trích thoả thuận tàu ngầm là “tăng cường chạy đua vũ trang”, Australia và Mỹ chính thức công bố hợp tác quân sự mở rộng. Cụ thể, trong cuộc họp ngày 16/09 vừa qua giữa các Bộ trưởng trong lĩnh vực ngoại giao và quốc phòng phía Mỹ - Australia, ông Peter Dutton – Bộ trưởng Quốc Phòng Australia một lần nữa khẳng định hai quốc gia sẵn sàng “bắt tay” trong kế hoạch đẩy mạnh hợp tác lực lượng, tăng cường phối hợp hành động cũng như làm sâu sắc hơn các hoạt động liên minh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trước đó trong họp báo chung tại Washington, ông đã nhận định: "Trong kế hoạch này, chúng tôi sẽ tiến hành hợp tác không quân lớn hơn thông qua việc triển khai luân phiên hàng loạt loại máy bay quân sự của Mỹ tới Australia". Củng cố và đồng tình với quan điểm của ông Dutton, ông Lloyd Austin – Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết hai bên đã nhất trí thông qua "các phương án nhằm mở rộng khả năng tiếp cận và hiện diện của Mỹ tại Australia". Bên cạnh đó, Bộ trưởng Austin cho biết chính phủ hai quốc gia nhân cơ hội này đã thảo luận những lo ngại xung quanh Trung Quốc trong cuộc họp được chủ trì bởi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Australia Marise Payne. "Dù đang trên con đường tìm kiếm và xây dựng một mối quan hệ hợp tác, bền vững với Trung Quốc, chúng tôi vẫn nhận thức rõ những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc phá hoại trật tự quốc tế đã được thiết lập", ông bày tỏ quan điểm.
Theo Bộ trưởng Dutton, Australia đang và sẽ tiếp tục củng cố hơn nữa quan hệ hợp tác với Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển tên lửa và vật liệu nổ. Thủ tướng Australia Scott Morrison trước đó đã đề cập tới việc Australia sẽ mua các tên lửa hành trình Tomahawk tầm xa.
Ngày 15/09 vừa qua, ba quốc gia Mỹ, Anh và Australia đã công bố về AUKUS – thỏa thuận hợp tác an ninh xuyên lục địa. Theo thỏa thuận này, Australia đảm nhận vai trò chế tạo các tàu ngầm vận hành bằng năng lượng hạt nhân, dưới sự hỗ trợ về công nghệ, nhân lực và huấn luyện kỹ thuật từ Mỹ và Anh. Không chỉ đem lại những lợi thế nhất định về quân sự, thỏa thuận này còn giúp nâng Australia lên vị trí quốc gia thứ 7 trên toàn cầu tạo ra và sở hữu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Thỏa thuận này được công bố ngay trong thời điểm Mỹ và các đồng minh đang đối đầu với mối đe doạ từ sức mạnh và tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Đứng trước hàng loạt thông tin về sự hợp tác trên bình diện quân sự của Mỹ và Australia, phát ngôn viên thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày hôm qua đã lên tiếng chỉ trích các quốc gia này về hành vi và thái độ "dấy lên sự đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và tình trạng ổn định của khu vực, tăng cường chạy đua vũ trang và tác động tiêu cực đối với các nỗ lực quốc tế về không phổ biến vũ khí hạt nhân". Ngược lại, Nhà Trắng khẳng định mục tiêu của thỏa thuận mới hoàn toàn không nhắm tới Trung Quốc.
Ngoài ra, Bắc Kinh đã thực sự nổi giận về thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân của Mỹ, Anh và Australia, bởi hiện nay Australia đang phải gánh chịu áp lực nặng nề từ sức ép không có dấu hiệu suy giảm về ngoại giao và thương mại từ Trung Quốc. Bắc Kinh cho rằng các quan hệ đối tác của Mỹ và đồng minh không nên nhắm vào nước thứ ba. Đối mặt với những quan điểm này, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken liên tục khẳng định trong suốt khoảng thời gian vừa qua, Bắc Kinh cũng đã chứng kiến rằng "Australia sẽ không bao giờ lùi bước trước những lời đe dọa từ phía Bắc Kinh, cũng như sức ép về kinh tế sẽ không phát huy hiệu quả" bởi Mỹ sẽ không để Australia chiến đấu "đơn độc".
(Từ
trái sang phải) Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton, Ngoại trưởng
Australia Marise Payne, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng
Mỹ Lloyd Austin
Trong một tín hiệu khác được cho là nhằm gửi tới Trung Quốc, Thủ tướng Australia sẽ có mặt tại Washington vào tuần tới để tham dự hội nghị thượng đỉnh cùng với Tổng thống Joe Biden, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga. Trung Quốc nhiều lần chỉ trích việc Mỹ và các nước thiết lập các khối liên minh mà Bắc Kinh cho là mang tư tưởng "Chiến tranh Lạnh" lỗi thời.
0 Nhận xét