MẶT TRÁI ĐẰNG SAU NHỮNG TẬP ĐOÀN SẢN XUẤT XE ĐIỆN LỢI NHUẬN HÀNG TỶ USD
Ngay khi truy cập vào website của Byton – một trong những hãng sản xuất xe điện tại Trung Quốc, khách hàng sẽ hoàn toàn bị hấp dẫn bởi hình ảnh mô phỏng những sản phẩm xe điện hiện đại và tân tiến với vẻ ngoài bóng loáng. Tuy nhiên khi đến thăm thực tế nhà máy của công ty này tại Nam Kinh (miền đông Trung Quốc), những ấn tượng ban đầu dường như hoàn toàn bị xoá bỏ; thậm chí nhà máy hiện đại, to lớn này cũng cho thấy dấu hiệu của tình trạng ngừng hoạt động trong khoảng thời gian dài. Trên thực tế, toàn bộ hoạt động sản xuất và kinh doanh của hãng đã rơi vào tình trạng ngưng trệ kể từ khi đại dịch bùng phát và không có bất kỳ ai lui tới ngoại trừ một nhân viên bảo vệ. Không chỉ riêng Byton, hãng xe điện thuộc Công ty Bordrin Motor cũng đã và đang đối mặt với tình huống tương tự. Tất cả những gì còn lại tại trụ sở nhà máy của công ty chỉ là khung cảnh bao trùm bởi cỏ dại và một thông báo của tòa án dán trước cổng chính về tình trạng phá sản của công ty này.
Câu chuyện của Bordrin và Byton cũng chính là những ví dụ tiêu biểu phản ánh rõ rệt những khía cạnh đối lập trong lĩnh vực kinh doanh xe điện Trung Quốc. Trong khi các "ông lớn" trong ngành này như Nio Inc và Xpeng Inc vẫn duy trì khả năng huy động vốn đầu tư lên tới hàng tỷ USD với doanh số bán xe đáng kinh ngạc và sánh ngang với đối thủ Tesla, vẫn tồn tại không ít hãng bị tụt lại phía sau do thất bại trong việc huy động khoản vốn cần thiết để sản xuất ô tô với quy mô lớn.
dantri.com.vn (Nhà máy của Công ty Bordrin Motor)
Khoảng thời gian trước đây, chính quyền một số đia phương tại Trung Quốc liên tục khuyến khích thành lập các hãng sản xuất ô tô điện tại nước này với mục tiêu và hy vọng đưa Trung Quốc trở thành một trong những cường quốc xe điện hàng đầu trong khu vực nói riêng và thế giới nói chung. Tuy nhiên, từ thời điểm tháng 11/2020, tình thế đã bắt đầu có dấu hiệu thay đổi khi Bắc Kinh yêu cầu các địa phương rà soát và báo cáo lại quy mô hỗ trợ của họ đối với ngành công nghiệp ô tô. Đối mặt với những cảnh báo về rủi ro trong đầu tư ồ ạt vào lĩnh vực xe điện trong bối cảnh hàng loạt nhà máy sản xuất xe điện tuyên bố phá sản trong thời gian gần đây, Bắc Kinh đang triển khai áp dụng các biện pháp thắt chặt đối với ngành công nghiệp này. Trong cuộc họp báo ngày 13/09, ông Xiao Yaqing – Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ Thông tin nhận định: "Chúng ta đang có quá nhiều hãng sản xuất xe điện trên toàn quốc".
Nhiều nguồn tin đáng tin cậy cho biết, Trung Quốc đang xây dựng kế hoạch thiết lập các giới hạn đối với thị trường sản xuất ô tô điện. Cụ thể, cho đến khi công suất dư thừa được giải quyết, các tỉnh sẽ không được chấp thuận thông qua các dự án mới; cùng với đó, các nguồn lực sẽ được chuyển sang cho một số công ty lớn được lựa chọn.
Những quy định trên hoàn toàn có lý và dựa trên thực tế tình hình tại Trung Quốc hiện nay. Cho đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc có tổng cộng 846 nhà sản xuất ô tô, 300 nhà sản xuất trong số đó tập trung vào ô tô năng lượng mới như xe điện, xe hybrid. Chỉ tính riêng trong năm 2020, số lượng nhà máy nêu trên đã nâng công suất sản xuất ô tô điện nội địa tăng vot chạm mức khoảng 5 triệu chiếc, đồng nghĩa với việc gấp 4 lần so với lượng xe điện thực tế bán ra trên thị trường quốc gia này trong năm. Có thể dễ dàng nhận thấy rằng gần một nửa công suất đó đã không được sử dụng.
Công ty Bordrin Motor thành lập năm 2016 bởi Huang Ximing (được biết đến là cựu giám đốc điều hành Ford) với mục tiêu ban đầu đối với sản lượng hàng năm là 700.000 xe tại 03 nhà máy. Mặc dù vậy, nguồn vốn cạn kiệt nhanh chóng đã khiến Bordrin phải đóng cửa khi chưa sản xuất được chiếc xe nào.
Năm 2017, Công ty Yinlong New Energy cũng đưa vào vận hành một nhà máy sản xuất ô tô ở Nam Kinh với tổng vốn đầu tư lên tới 10 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1,6 tỷ USD). Theo kế hoạch tại thời điểm thành lập, công ty sẽ tiến hành sản xuất và tung ra thị trường 30.000 xe thương mại năng lượng mới, chủ yếu là xe bus điện. Tuy được dự kiến khởi động vào năm 2018 nhưng hiện nay nhà máy này đã hoàn toàn bị bỏ hoang. Trang thông tin Bloomberg cho hay dù không công khai thông tin về các vụ phá sản nhưng kể từ năm ngoái, có tối thiểu một cục nhà sản xuất xe điện đối mặt với tình trạng hoạt động kém hiệu quả hoặc phải tái cơ cấu để tránh bị vỡ nợ.
Tuy lâm vào tình trạng cạn nguồn vốn, Byton vẫn le lói hy vọng khá mong manh khi ít nhất vẫn còn tồn tại cho tới hiện nay. Chỉ trong tháng 7/2021, trước những đợt bùng phát dịch bệnh khó lường tác động nặng nề lên doanh thu và vận hành, hãng xe điện này đã buộc phải ngừng mọi hoạt động trong nước và cho nhân viên nghỉ. Thậm chí ngay trước thời điểm Covid-19, công ty này cũng đã đối mặt với hàng loạt khó khăn khi công bố thời hạn sản xuất và giao mẫu xe đầu tiên, mặc dù trên trang web của công ty này vẫn chấp nhận đặt trước xe. Tỉnh Giang Tô – nơi đặt nhà máy của Byton, đang nỗ lực vươn lên nắm giữ vị trí trung tâm sản xuất xe điện của Trung Quốc. Tính đến năm 2020, tỉnh này đã thu hút được 32 tỷ USD vào ngành công nghiệp ô tô. Hiện nay, Giang Tô là vùng đất màu mỡ của hơn 30 nhà sản xuất ô tô và cũng đang trở thành tâm điểm của cuộc điều tra do Bắc Kinh tiến hành vào đầu năm nay. Cụ thể, Bắc Kinh đã phát hiện một số chính quyền địa phương có hành vi tự ý giảm thuế và ưu đãi đất đai để thu hút các nhà sản xuất ô tô ngoài quy hoạch của chính phủ, gián tiếp dẫn tới tình trạng công suất sản xuất ô tô điện trở nên dư thừa.
Tổng Thư ký Hiệp hội Xe hơi Trung Quốc Cui Dongshu nhận định: "Chính quyền địa phương đặt nhiều kỳ vọng vào sự phát triển của các công ty sản xuất xe năng lượng mới với hy vọng khai thác tối đa các cơ hội trong lĩnh vực này, nhằm mục đích thúc đẩy phần nào nền kinh tế địa phương nói chung". Ông cho rằng, các nhà đầu tư đã nhìn thấy tiềm năng sinh lợi lớn của ngành ô tô điện nên ồ ạt rót tiền vào đây, kết quả khiến công suất bị dư thừa.
0 Nhận xét