HẬU GIÃN CÁCH XÃ HỘI, DOANH NGHIỆP ĐỐI MẶT VỚI KHÓ KHĂN TRONG KHÔI PHỤC VẬN HÀNH
Sau những hy vọng về thời kỳ nới lỏng và tiến tới chấm dứt giãn cách toàn xã hội, các doanh nghiệp bắt đầu cảm nhận rõ rệt hơn những khó khăn trước mắt trong việc tái vận hành một hệ thống lâu ngày không chạy.
Chủ một doanh nghiệp sản xuất gạo hữu cơ thuộc Quận 7 (TP HCM) bày tỏ sự vui mừng trước những động thái giảm thiểu những biện pháp giãn cách nội thành, nhưng như đại đa số doanh nghiệp khác, anh không khỏi lo lắng trước hàng loạt vấn đề nảy sinh trong quá trình chuẩn bị hoạt động trở lại, đặc biệt trong khâu tuyển dụng khi rơi vào tình trạng không tìm được nhân công sau hai tháng trời. Trước đó, vào cuối tháng 6/2021, 04 nhân viên trong công ty xác định dương tính với Covid-19. Không chỉ dừng lại ở đó, tình hình trở nên tồi tệ hơn khi chỉ trong vòng 07 ngày ngắn ngủi, con số này tăng lên gấp 10 lần và tổn hại đến một nửa nhân lực trong doanh nghiệp. Hiển nhiên việc tìm nhân công thay thế vào thời điểm đó không hề dễ dàng. Đại diện công ty thừa nhận: "Người ta ngại đi làm một mặt do khó thích nghi với ba tại chỗ, mặt khác lo ngại nguy cơ nhiễm Covid". Bị dồn tới đường cùng, ban lãnh đạo phải nhờ chính nhân viên giới thiệu người quen ứng tuyển để đảm bảo duy trì đủ số lượng nhân lực tối thiểu. Tuy nhiên sau khi trải qua tổng cộng 04 đợt tuyển dụng, chỉ duy nhất lần gần đây công ty mới tuyển được người âm tính với virus nhưng lực lượng lao động trên thực tế vẫn khá mong manh.
hcmcpv.org.vn
Đồng cảm với câu chuyện nêu trên, ông Lê Xuân Tân – một trong những thành viên thuộc ban giám đốc Công ty TNHH Gỗ Hạnh Phúc (Đồng Nai) cũng quan ngại khi nhận định tuyển dụng thời điểm hiện tại rất khó khăn. "Những người đi làm lúc này chỉ xuất phát từ gánh nặng kinh tế. Nếu được lựa chọn, họ hẳn nhiên muốn ở quê hoặc đợi hết dịch hẳn mới đi làm", ông cho biết. Bên cạnh đó, ông thừa nhận việc đưa người mới vào doanh nghiệp không hề dễ dàng trong thời điểm hiện nay; bởi khó có thể bảo đảm an toàn 100% ngay cả khi tuyển được công nhân đã tiêm 1 mũi vaccine, điều này không đồng nghĩa với việc công nhân đó hoàn toàn miễn nhiễm với virus. Cho tới thời điểm hiện tại, 20% lao động tại doanh nghiệp vẫn chưa tiêm vaccine do vấn đề sức khoẻ, dẫn đến tỷ lệ rủi ro nhiễm Covid-19 và bệnh nặng khá cao. Theo đó, Công ty Gỗ Hạnh Phúc sẽ triển khai kế hoạch tái hoạt động bệnh viện dã chiến thực hiện cách ly, xét nghiệm cho nguồn công nhân mới.
Trước thực trạng này, ông Chu Tiến Dũng – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM cho biết, các doanh nghiệp hiện đang trong giai đoạn chờ đợi Bộ Y tế chính thức ban hành tiêu chuẩn người lao động được đi làm trở lại để chuẩn bị công tác tuyển dụng. Trong thời điểm nguồn cung nhân lực lao động khan hiếm, ông lưu ý không nên bỏ qua những lao động là F0 đã tự khỏi bệnh ở nhà. Bởi lẽ đây là nguồn cung lao động lớn và tỷ lệ an toàn cao khi bản thân đã có kháng thể, cần được nhận diện để bổ sung cho các nhà máy. Bên cạnh đó, cần thống nhất các quy định lưu thông cho người lao động trên phạm vi toàn quốc nói chung và giữa các tỉnh nói riêng, tránh trường hợp ngăn cản lực lượng lao động ở các địa phương khác di chuyển tới khu vực trung tâm sản xuất để làm việc. Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi rất mong hướng dẫn được công bố nhanh chóng và kịp thời để doanh nghiệp có thể chủ động tuyển dụng và điều phối nhân công."
Dù đã hơn 1 tuần kể từ khi TP HCM cho phép hoạt động dịch vụ ăn uống bán mang về, chuỗi trà sữa Gong Cha vẫn chưa cho thấy bất kỳ động thái nào. Đại diện chuỗi cho biết khôi phục lại hoạt động cần thực hiện theo từng bước một, bắt đầu với áp dụng phương án "3 tại chỗ". Vốn các nhà hàng, cửa tiệm không được trang bị để cho nhân viên ăn ngủ nghỉ lại. Vì vậy, doanh nghiệp cần thời gian chuẩn bị cơ sở vật chất, tiện ích và cả động viên tinh thần nhân viên để họ trở lại công việc. Đây không chỉ là câu chuyện của riêng Gong Cha mà là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp trong ngành F&B (Food and Beverage). Nhóm 11 doanh nghiệp điều hành hơn 1.300 nhà hàng nhận định rằng nhìn chung các quy định đưa ra để doanh nghiệp mở cửa không dễ dàng. Cụ thể, những điều kiện như hạn chế thời gian bán hàng, duy trì xét nghiệm nhân viên 02 ngày/lần, giao hàng,…... khiến đa phần doanh nghiệp e ngại và chưa hoàn toàn khôi phục trạng thái bình thường.
Những trở ngại này cũng phần nào gián tiếp tác động lên toàn chuỗi cung ứng, dẫn tới thiếu hụt nguồn cung với doanh nghiệp. Ông Chu Tiến Dũng cho biết nhận được không ít phản hồi tiêu cực từ phía doanh nghiệp liên quan đến sản xuất, xuất khẩu về việc nhiều vùng nguyên liệu trong nước bị ngưng hoạt động khiến lượng hàng hoá và nguyên liệu đầu vào bị thiếu. Hiển nhiên, các doanh nghiệp sản xuất muốn vận hành bình thường sẽ buộc phải chờ các khu vực nguồn cung này phục hồi. Nói cách khác, kế hoạch khôi phục và mở cửa nền kinh tế phải diễn ra đồng bộ bởi mạng lưới doanh nghiệp ngày nay có tính phụ thuộc, liên đới rất lớn. Bên cạnh đó, các vấn đề lưu thông chưa đồng nhất giữa các địa phương cũng là một trong những nguyên nhân khiến dòng chảy hàng hoá bị tắc nghẽn, tác động xấu đến doanh nghiệp.
Một trong những vấn đề không thể không đề cập là dòng tiền. Theo thống kê sau gần 03 tháng nền kinh tế rơi vào tình trạng gần như đóng băng, nhiều doanh nghiệp thực sự bị dồn đến bước đường cùng và "cạn máu" khi doanh thu không có nhưng vẫn phải đều đặn thanh toán các khoản trả cố định. Đại diện một doanh nghiệp tại TP HCM bày tỏ thái độ quan ngại rõ rệt: "Hàng loạt khoản như phí, tiền bảo hiểm, tiền công đoàn vẫn duy trì, trong khi chúng tôi bỏ hàng tỷ đồng nuôi bao nhiêu con người trong nhà máy thời gian qua". Người này cũng cho biết, các chính sách hỗ trợ vẫn xa vời với họ, trong khi tiền và tài sản không còn bao nhiêu. Ông Dũng nhận xét, dòng tiền tại nhiều doanh nghiệp cho tới nay đã thực sự đứt gãy. Điều này đồng nghĩa với tình trạng thiếu vốn trầm trọng khi chuỗi sản xuất hoạt động trở lại, và buộc phải lựa chọn phương án vay bổ sung, nếu không, sẽ không có cách nào sản xuất được. Hiện nhiều doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng đã kiến nghị Nhà nước sớm có các chính sách hỗ trợ tiếp cận về dòng tiền, giảm lãi suất, để có cơ hội tái sản xuất, kinh doanh.
Những rào cản lớn này hiện khiến cho các doanh nghiệp hình thành tâm lý cực kỳ thận trọng trước cơ hội kinh tế mở lại. Mặt khác, khi dịch bệnh vẫn chuyển biến khá phức tạp, thực sự không có bất kỳ biện pháp hay chính sách nào hứa hẹn sau khi doanh nghiệp bung nốt số công sức và vốn liếng còn lại, nền kinh tế có bị chuyển trạng thái một lần nữa hay không.
Hà Linh
0 Nhận xét