NGƯỜI NÔNG DÂN ĐỐI MẶT VỚI MỐI LO TỒN ĐỌNG HÀNG TRĂM TẤN CAM ĐẶC SẢN
Hiện nay là thời điểm đang vào vụ thu hoạch, tuy nhiên những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 khiến người dân Quảng Trị đối mặt với hàng loạt mối lo khi hàng trăm tấn cam đặc sản tại khu vực này rơi vào tình trạng gần như không thể tiêu thụ.
Cụ thể, tại Vùng đồi K4 (thuộc địa phận xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) – khu vực trồng cam tập trung, tổng diện tích lên tới 25 ha với sản lượng hàng năm ước tính chạm mức gần 500 tấn cam, dù đang trong giai đoạn thu hoạch “cao điểm” nhưng gia đình ông Trần Ngọc Nhơn (ngụ tại thôn Long Hưng, xã Hải Phú) chỉ bán được khoản hơn 2 tấn cam – một con số rất nhỏ so với sản lượng hiện có tại vườn. Ông Nhơn cho biết với diện tích 2,5 ha cam đã cho thu hoạch quả, sản lượng dự kiến trong mùa cam lần này có thể lên tới 25 tấn. Mặc dù vậy, đại dịch Covid-19 và các đợt giãn cách xã hội liên tiếp tại các địa phương đã trực tiếp gây nên những trở ngại khiến người dân gần như không thể vận chuyển và tiêu thụ cam vào thành phố Đông Hà cũng như các nơi khác. Ông Nhơn bày tỏ sự lo lắng rõ rệt khi chia sẻ: "Giá cam bán tại vườn hiện nay dao động trong khoảng 18.000 -20.000 đồng/kg nhưng tiêu thụ vẫn rất chậm. Những mùa cam trước, thương lái đến tận vườn trực tiếp mua cam và vận chuyển đi tiêu thụ các nơi, trong khi đó năm nay rất ít. Thu hoạch bây giờ cũng không biết bán ở đâu hay cho ai. Nhưng nếu chậm trễ trong khâu thu hoạch, thì cam sẽ chín vàng, rụng xuống và thối khi có mưa".
dantri.com.vn (Ông Trần Ngọc Nhơn)
Không chỉ riêng gia đình ông Nhơn, toàn bộ 14 hộ gia đình trồng cam tại Vùng K4 huyện Hải Lăng đều chung tình trạng lo lắng khi không tìm được đầu ra cho nông sản dù mới trong giai đoạn đầu mùa. Tuy đã người dân đã giảm giá sản phẩm xuống thấp hơn nhiều so với các năm trước nhưng số người mua vẫn rất hạn chế. Đối mặt với tình trạng này, một số hộ đã chủ động tìm hướng đi riêng khi tìm cách tiêu thụ qua các kênh thông tin, nền tảng mạng xã hội hay các chợ vừa và nhỏ trên địa bàn, dù sản lượng tiêu thụ và doanh thu không đáng kể.
Cam K4 của Hải Lăng được người dân trồng theo phương pháp hữu cơ và được Uỷ ban nhân dân tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP (One Commune, One Product) 3 sao. Thời gian trước đây, vào mỗi vụ thu hoạch, sản phẩm cam K4 không chỉ có mặt tại phần lớn các siêu thị và cửa hàng nông sản trên địa bàn, mà còn được đưa đi tiêu thụ tại nhiều tỉnh thành trên cả nước như: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, TP HCM,…..
dantri.com.vn (Vùng đồi trồng cam K4)
Phó Chủ tịch UBND xã Hải Phú – ông Lương Trung Quốc xác nhận nông sản của địa phương những năm trước được tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố toàn quốc. Tuy nhiên năm nay biến động của đại dịch khiến việc tiêu thụ trở nên khó khăn hơn hết. Ông cho biết: "Xã Hải Phú đã có tờ trình gửi Uỷ ban nhân dân huyện Hải Lăng, đồng thời đã tiến hành họp để tìm ra giải pháp hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm. Trước mắt, Hội nông dân sẽ đứng ra làm đầu mối để kết nối người dân tới các địa phương và đơn vị tiêu thụ cam. Cho đến thời điểm hiện tại, sản lượng cam năm nay ước tính hơn 430 tấn. Đây cũng là thời điểm chính của vụ thu hoạch, nếu không bán được sẽ thất thu". Bên cạnh đó, nhằm giúp bà con tiêu thụ một phần nông sản, Uỷ ban nhân dân huyện Hải Lăng đã gửi văn bản đến Sở Công Thương tỉnh đề nghị hỗ trợ kết nối sản phẩm cam K4 với các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng trong và ngoài địa bàn tỉnh để hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm trong thời điểm đại dịch Covid-19 biến chuyển phức tạp.
Theo Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Hải Lăng – ông Lê Đình Lễ, Uỷ ban nhân dân huyện mới đây đã tổ chức phiên họp với các ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện cùng các hộ dân trồng cam nhằm xây dựng giải pháp nhanh chóng, kịp thời tiêu thụ sản phẩm cam trong giai đoạn khó khăn trước mắt. "Huyện cũng kêu gọi các ngành, đoàn thể và người dân trên địa bàn hỗ trợ, tiêu thụ sản phẩm cam K4 của người dân", ông Lễ khẳng định.
0 Nhận xét