HOT

6/recent/ticker-posts

HÀNG LOẠT NHÀ MÁY TRUNG QUỐC ĐỐI MẶT VỚI NGUY CƠ ĐÓNG CỬA

TRUNG QUỐC ĐỐI MẶT VỚI KHỦNG HOẢNG ĐÓNG CỬA NHÀ MÁY DO THIẾU ĐIỆN

 

Theo hãng tin chính thức Bloomberg, trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ điện cũng như giá than và giá khí đốt có xu hướng tăng vọt, Trung Quốc đang triển khai kế hoạch hạn chế tiêu thụ điện năng cùng các biện pháp nghiêm ngặt của Bắc Kinh nhằm cắt giảm lượng khí thải. Theo đó, yêu cầu tiên quyết và bắt buộc đặt ra với ngành công nghiệp sản xuất của Trung Quốc hiện nay là cắt giảm lượng điện tiêu thụ; đồng thời hàng loạt nhà máy như các nhà máy luyện nhôm, các nhà máy dệt, nhà máy chế biến đậu nành,……đang được lệnh hạn chế hoạt động. Thậm chí, một số nhà máy bị buộc phải đóng cửa hoàn toàn. Cùng với đó, tốc độ phục hồi kinh tế sau đại dịch của quốc gia này đã thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ điện của các hộ gia đình và doanh nghiệp. Ngược lại, nguồn đầu tư vào lĩnh vực khai thác điện lại sụt giảm do bị hạn chế sản xuất.

Gần một nửa trong tổng cộng 23 tỉnh thành của Trung Quốc thừa nhận thất bại trong mục tiêu tiết kiệm điện mà Bắc Kinh đặt ra và đang đối mặt với những gánh nặng từ áp lực cắt giảm lượng điện tiêu thụ. Giang Tô, Chiết Giang và Quảng Đông – ba trong số các trung tâm công nghiệp hàng đầu Trung Quốc, nắm trong tay 1/3 nền kinh tế quốc dân cũng không thoát khỏi vòng xoáy này khi thuộc nhóm những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất của yêu cầu này.

HÀNG LOẠT NHÀ MÁY TRUNG QUỐC ĐỐI MẶT VỚI NGUY CƠ ĐÓNG CỬA - LUẬT TÂN SƠN

Đứng trước tình trạng này, các nhà phân tích của Nomura Holding dự báo số liệu kinh tế Quý IV/2021 của Trung Quốc có dấu hiệu giảm và nhận định: "Trong khi thị trường gần như đang tập trung toàn bộ sự chú ý vào Evergrande và những hạn chế chưa từng có của Bắc Kinh trong lĩnh vực bất động sản, giới chức và các chuyên gia có thể đang xem nhẹ, thậm chí bỏ qua một cú sốc thiếu hụt nguồn cung lớn khác". Điều này là không thể phủ nhận bởi hiện nay, vấn nạn thiếu điện với mức độ ngày càng trầm trọng ở Trung Quốc đang bị che khuất khi mọi sự chú ý đang đổ dồn vào việc liệu "bom nợ" 300 tỷ USD của Evergrande có vỡ nợ hay không. Trên thực tế, nguồn cung ứng điện trên toàn cầu đang cực kỳ eo hẹp, dấy lên những lo ngại bởi trước đó, tình trạng thiếu điện đã từng đẩy thị trường châu Âu vào “hố đen” khủng hoảng và hỗn loạn.

Kênh thông tin Bloomberg cũng nhận định nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng năng lượng của Trung Quốc bắt nguồn một phần từ cam kết cắt giảm lượng khí thải của Bắc Kinh. Cụ thể, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang cố gắng đảm bảo bầu trời Bắc Kinh sẽ trong xanh tại Thế vận hội mùa Đông diễn ra vào tháng 2/2022, từ đó chứng tỏ cho cộng đồng quốc tế thấy ông thực sự nghiêm túc với việc cắt giảm khí thải carbon trong nền kinh tế.

Nền kinh tế Trung Quốc đã và đang đối mặt với mối nguy thiếu hụt trầm trọng than và khí đốt – những nhiên liệu sử dụng trong sưởi ấm và cung cấp cho các nhà máy sản xuất điện. Điều này hoàn toàn có thể khiến cho Trung Quốc phải cắt điện luân phiên trong những tháng nhiệt độ xuống thấp trong bối cảnh giá nhiên liệu trên toàn cầu tăng cao. Theo ghi nhận trong những tháng qua, giá than sưởi tại Trung Quốc đã tăng hơn 4 lần, liên tục phá vỡ kỷ lục mới khi những lo ngại về an toàn mỏ và ô nhiễm hạn chế sản lượng điện trong nước. Trong những đợt cao điểm sử dụng điện vào mùa đông ở Trung Quốc trước đây, nhiều người đã lựa chọn phương án sử dụng máy phát điện chạy dầu diesel nhằm bù đắp cho lượng điện lưới thiếu hụt. Tuy nhiên năm nay câu chuyện đã khác khi Trung Quốc đã thắt chặt hơn việc tăng sản lượng điện kiểu này để bù đắp nhu cầu gia tăng.

Điều đáng quan ngại là cú sốc thiếu điện cũng đang hiện diện ở nhiều lĩnh vực khác nhau tain Trung Quốc như thực phẩm, sản xuất,…... Các nhà máy ép đậu nành thành dầu ăn và thức ăn gia súc ở Thiên Tân cũng đã được yêu cầu phải đóng cửa trong tuần này. Các nhà cung cấp cho Apple và Tesla – hai trong số thương hiệu nổi tiếng hàng đầu thế giới cũng đã phải ngừng sản xuất tại một số nhà máy ở Trung Quốc từ ngày 26/09. Một số doanh nghiệp nhỏ hơn cũng đã bắt đầu thông báo với sàn giao dịch chứng khoán về tình trạng buộc cắt giảm hoặc tạm ngừng hoạt động. Dù các công ty nước ngoài lớn không trực tiệp chịu sự kiểm soát này, nhưng phần nào chịu những tác động bất lợi trong hoạt động kinh doanh khi hàng loạt công ty, nhà máy cung ứng lớn nhỏ tại Trung Quốc ngừng hoạt động vì thiếu điện dẫn tới thiếu hụt mọi thứ từ nguyên vật liệu đến linh kiện, từ đó gián tiếp làm ngưng trệ chuỗi cung ứng và ăn mòn lợi nhuận của một loạt công ty đa quốc gia.

HÀNG LOẠT NHÀ MÁY TRUNG QUỐC ĐỐI MẶT VỚI NGUY CƠ ĐÓNG CỬA - LUẬT TÂN SƠN

cafef.vn

Giang Tô – một tỉnh có nền kinh tế vững mạnh sánh ngang Canada chứng kiến tình trạng các nhà máy thép phải đóng cửa, một số thành phố phải tắt đèn đường. Gần Giang Tô là Chiết Giang, khoảng 160 công ty sử dụng nhiều điện nhất như các công ty dệt may cũng đã phải đóng cửa. Tại Liêu Ninh (phía Bắc Trung Quốc), 14 thành phố trên toàn tỉnh cũng đã buộc phải cắt điện khẩn cấp, đa phần do giá than tăng cao.

Nhà phân tích của Nomura nhận định: "Các biện pháp hạn chế điện của Trung Quốc sẽ nhanh chóng lan tỏa và tác động đến thị trường nói chung trên phạm vi toàn cầu, gây nên tình trạng thiếu hụt trầm trọng nguồn cung hàng dệt may, đồ chơi cho đến các linh kiện máy móc". Bên cạnh đó, trong bối cảnh Trung Quốc đã và đang gánh chịu hàng loạt áp lực đến từ sự hồi phục với hình chữ V trong năm 2020, những biện pháp cắt giảm này thực sự tiềm ẩn mối đe dọa mới đối với nền kinh tế Trung Quốc. Không chỉ dừng lại ở đó, các biện pháp này cũng vô hình tạo nên những thách thức cho các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc, khi họ phải tìm ra hướng đi và phương án làm thế nào để theo đuổi các mục tiêu về môi trường nhưng không gây tổn hại đến nền kinh tế đang hồi phục sau đại dịch. Trưởng bộ phận Kinh tế Trung Quốc Larry Hu thuộc Macquarie Group cho rằng: "Dường như các nhà hoạch định chính sách sẵn sàng chấp nhận mức tăng trưởng thấp hơn trong khoảng thời gian 03 tháng cuối năm 2021 để có thể đáp ứng các mục tiêu cắt giảm carbon. Điều này khá dễ hiểu bởi không khó để đạt được mục tiêu GDP hơn 6% nhưng mục tiêu cắt giảm khí thải có thể đối mặt với nhiều khó khăn do tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa đầu năm".

     Hà Linh

Đăng nhận xét

0 Nhận xét