ÁP SÀN GIÁ VÉ MÁY BAY, XOÁ SỔ VÉ GIÁ RẺ VÀ HÀNG LOẠT CHÍNH SÁCH TÁC ĐỘNG TRỰC TIẾP TỚI CÁN CÂN CUNG – CẦU
Trong thời gian gần đây, xuất hiện không ít ý kiến liên quan tới hàng loạt chính sách áp giá sàn vé máy bay, "xóa sổ" vé 0 đồng và vé giá rẻ, đặc biệt tập trung vào những tác động trước mắt đối với những người có nhu cầu đi lại cá nhân, nhất là người thu nhập thấp. Cụ thể, Cục Hàng không mới đây đã trình lên Bộ Giao thông vận tải bản dự thảo Thông tư về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa; trong đó ấn định mức giá vé sàn và giá trần đối với các đường bay dưới 500km như sau:
- Nhóm đường bay phát triển kinh tế - xã hội: tối thiểu là 320.000 đồng/chiều/hành khách và tối đa là 1,6 triệu đồng/vé/chiều;
- Nhóm đường bay khác: tối thiểu là 340.000 đồng/chiều/hành khách, tối đa là 1,7 triệu đồng/vé/chiều.
Dù Cục Hàng không đã trực tiếp lý giải việc đề xuất khung giá vé nêu trên chỉ nhằm giải quyết tình huống cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp trong bối cảnh hàng không khó khăn, người tiêu dùng và một số chuyên gia vẫn thể hiện thái độ phản đối khá quyết liệt. Bởi họ cho rằng, những quy định này khi áp dụng hoàn toàn có khả năng triệt tiêu nhu cầu di chuyển hay mục tiêu kích cầu du lịch của đất nước, chụ thể trong bối cảnh mở cửa nền kinh tế sau khi kiểm soát được đại dịch.
Đồng tình với quan điểm này, Tổng Giám đốc Công ty du lịch Wondertour – ông Lê Công Năng nhận định giá vé máy bay nên được quyết định bởi chính thị trường và cán cân cung-cầu. Việc áp giá sàn sẽ gián tiếp nâng chi phí giá vé máy bay, đồng nghĩa giá tour trọn gói ở các công ty lữ hành cũng tăng theo. Ông cho biết: "Thông thường, giá vé máy bay chiếm khoảng 70% trong tổng giá tour du lịch. Làm một phép tính đơn giản có thể dễ dàng nhận thấy giá vé tăng thì đơn vị lữ hành cũng theo đó tăng giá tour, khách hàng sẽ phải chi trả số tiền lớn hơn so với trước kia". Cũng theo ông Năng, mỗi hãng hàng không đều có những phân khúc khách hàng khác nhau từ bình dân đến cao cấp. Hiển nhiên, việc lựa chọn hãng bay hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu và năng lực tài chính của khách hàng. Theo đó, việc áp sàn giá máy bay sẽ tạo lợi thế cho một số hãng, đặc biệt là các hãng hàng không lớn và vô hình chung tạo nên một thị trường cạnh tranh không lành mạnh.
Tương tự ông Năng, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cũng chỉ ra những mặt bất hợp lý trong đề xuất áp giá sàn đối với vé máy bay nội địa. Ông cho rằng điều này sẽ gây khó khăn cho chính doanh nghiệp hàng không khi không thể linh động giá vé sao cho phù hợp với tình hình thực tế trong thời điểm ngành du lịch đang muốn kích cầu. Ngoài ra, việc áp sàn vé máy bay còn gây thiệt cho người tiêu dùng. "Giả sử, doanh nghiệp muốn triển khai bán vé giá 0 đồng, nhưng theo phương án đề xuất này, người tiêu dùng phải trả giá sàn đó. Phương án này không chỉ làm khó cho doanh nghiệp mà thậm chí cả người tiêu dùng", ông phân tích. Bên cạnh đó, ông Lực cho rằng việc áp khung giá vé máy bay đang can thiệp trực tiếp và đi sâu vào hoạt động của doanh nghiệp, thậm chí đi ngược lại với chủ trương của nền kinh tế thị trường. Trước khi ban hành hay đưa ra đề xuất, các cơ quan chủ quản cần xem xét và đánh giá kỹ lưỡng tác động tới thực tế thị trường, cũng như cân nhắc chính xác lợi – hại của chính sách đó.
Trước đề xuất của Cục Hàng không, Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học giá cả (Bộ Tài chính) Ngô Trí Long đặt ra câu hỏi về tính hợp pháp của việc áp giá sàn vé máy bay, cụ thể có tuân thủ nguyên tắc quản lý giá trong nền kinh tế thị trường hay không. Ông cho biết, hiện có 06 hãng hoạt động trong ngành hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, VietJet Air, Jetstar Pacific Airlines, Bamboo Airways, VASCO, Vietravel Airlines), trong số đó có những doanh nghiệp nắm giữ vị trí thống lĩnh thị trường thì Nhà nước buộc phải áp dụng mức giá trần để tránh trường hợp giá vé tăng vọt bất hợp lý, từ đó bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, theo quy định của Luật Hàng về giá cước vận chuyển hành khách tính theo khung giá, giá sàn bằng 0, nói cách khác là không có giá sàn. Do đó, ông Long nhận định đề xuất áp giá sàn vé máy bay là không phù hợp, có khả năng xâm phạm lợi ích của người tiêu dùng và tạo ra một môi trường cạnh tranh không lành mạnh.
Tháng 8/2021, thị trường đã lan truyền thông tin hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines một lần nữa đưa ra đề nghị nâng mức giá trần và áp dụng giá sàn. Tuy nhiên đối mặt với những luồng thông tin này, đại diện hãng lại khẳng định "không rõ thế nào, chưa ai làm gì cả". Trước đó, tháng 3/2017, Vietnam Airlines cũng đã trình lên Bộ Giao thông vận tải kiến nghị áp dụng giá sàn đối với vé máy bay của hạng phổ thông nội địa; cụ thể mức tối thiểu là 1,54 triệu đồng và tối đa là 4,2 triệu đồng với đường bay trên 1.280 km. Tuy nhiên, đề xuất này đã không được phê duyệt do vấp phải những ý kiến trái chiều, đa số là phản đối.
Đối với đề xuất lần này, đa phần các ý kiến cho rằng nếu là đề xuất từ phía hãng hàng không nào đó, đặc biệt là các hãng bay giá rẻ thì chẳng khác nào "tự bắn vào chân mình". Bởi hiển nhiên khi đề xuất áp giá tối thiểu, "xóa sổ" vé 0 đồng và vé giá rẻ, những hãng hàng không này lại tự tay "đuổi" khách, làm sụt giảm nghiêm trọng lợi nhuận của chính hãng mình.
Hà Linh
0 Nhận xét