VỚI HÀNG LOẠT CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI, CÁC TỔ CHỨC TÀI CHÍNH THẾ GIỚI CHUNG TAY HỖ TRỢ VIỆT NAM VƯỢT QUA ĐẠI DỊCH
Hiện nay, tỷ lệ nguồn vốn đầu tư trong toàn bộ nền kinh tế mà nhóm các ngân hàng nắm giữ lên tới 80%. Theo đó trong thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát với những biến chuyển phức tạp, đặt lên vai doanh nghiệp những áp lực “vô hình” nặng nề, một trong những yêu cầu hàng đầu, cũng là mục tiêu then chốt, đối với hệ thống tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước đặt ra hỗ trợ vốn đối với doanh nghiệp, kết hợp với nguồn vốn sẵn có của mình để vượt qua giai đoạn khó khăn; đồng thời xây dựng những chính sách hỗ trợ về mọi mặt cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung. Đứng trước nhiêm vụ cấp thiết được đặt ra, các ngân hàng đã nhanh chóng huy động tối đa mọi nguồn lực để kịp thời ban hành những chính sách cũng như giải pháp tài chính mang lại hiệu quả tối ưu.
Trên thực tế, với nền tảng năng lực hiện có, cùng nguồn vốn được tiếp tế từ các tổ chức tài chính quốc tế, nhiều ngân hàng Việt Nam hiện nay hoàn toàn có khả năng hỗ trợ nhiều hơn nữa các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ trong giai đoạn khó khăn này.
Thời gian gần đây, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam khôi phục vị trí bền vững và ổn định sau đại dịch Covid-19, Tổ chức Tài chính quốc tế (International Finance Corporation – IFC) – một trong những thành viên thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank Group – WBG), đã “rót” khoản vay 40 triệu USD cho Ngân hàng SeABank. Tuy nhiên theo thông tin ghi nhận được, đây mới chỉ là hợp phần đầu tiên của gói tài trợ tổng giá trị lên tới 150 triệu USD được phát động với mục tiêu giúp mở rộng cho vay cho nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt ưu tiên các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, từ đó tăng cường cơ hội tiếp cận tài chính khí hậu cũng như đẩy mạnh khía cạnh thương mại quốc tế.
Giám đốc Quốc gia của IFC tại ba quốc gia Việt Nam, Campuchia và Lào – ông Kyle Kelhofer khẳng định: "Khoản đầu tư này không chỉ mang giá trị hỗ trợ về mặt vật chất, mà còn qua đó thể hiện niềm tin vững chắc của IFC vào SeABank cùng những kế hoạch chiến lược của ngân hàng trong việc gia tăng tài trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy tăng trưởng xanh; đồng thời hỗ trợ tối đa Việt Nam trong quá trình khôi phục nền kinh tế và tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa sau đại dịch Covid-19". Trước đó, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng thể hiện sự ủng hộ và hỗ trợ hết mình đối với SeABank thông qua quyết định nâng hạn mức bảo lãnh thực hiện các giao dịch thương mại với tổng giá trị giao dịch tại một thời điểm lên đến 30 triệu USD, tiếp tục cấp hạn mức 5 triệu USD đối với các khoản vay tuần hoàn có kỳ hạn 6 tháng.
Không chỉ riêng SeABank, IFC cũng trực tiếp tài trợ cho một số ngân hàng khác tại Việt Nam với tổng khoản tiền lên tới hàng trăm triệu USD với mục đích củng cố năng lực bảo đảm rủi ro thanh toán của mỗi ngân hàng trong các kế hoạch tài trợ thương mại cho các doanh nghiệp trong nước nói chung, doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng.
Đại diện một ngân hàng cho biết quyết định cấp khoản vay hỗ trợ hay nâng hạn mức bảo lãnh cho ngân hàng được các tổ chức tài chính quốc tế thực hiện sau khi xem xét và cân nhắc hàng loạt yếu tố tiên quyết như: mức độ uy tín, tính minh bạch và lành mạnh, hiệu quả sử dụng nguồn vốn của ngân hàng trên thực tế, năng lực quản trị rủi ro, định hướng phát triển rõ ràng, năng lực của đội ngũ lãnh đạo,……
Trên cơ sở nguồn vốn huy động và được cung cấp, các ngân hàng có thêm dư địa để hỗ trợ hiệu quả hơn nữa cho doanh nghiệp, song song với tập trung vào phân khúc khách hàng mục tiêu của mình. Tổng Giám đốc SeABank – bà Lê Thu Thuỷ cho biết: "Với khoản tài trợ dài hạn và tư vấn kỹ thuật của IFC, SeABank hoàn toàn có khả năng tập trung vào hai phân khúc chiến lược gồm doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và tài trợ khí hậu; từ đó tiến tới định vị ngân hàng trở thành ngân hàng được lựa chọn của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ cũng như các dự án thân thiện với môi trường trong giai đoạn 5 năm tới”. Không chỉ dừng lại ở đó, những khoản tài trợ này còn cho phép SeABank mở rộng hơn nữa phạm vi doanh nghiệp được nhận hỗ trợ trong thời điểm bùng phát đại dịch, phần nào giúp họ có thêm nguồn vốn để vượt qua giai đoạn khó khăn này, xây dựng nền tảng vững chắc để tiếp nhận và tận dụng các cơ hội phát triển mới, đồng thời góp phần cho sự ổn định của thị trường tài chính Việt Nam nói chung.
Bên cạnh đó, bà Thuỷ nhận định các gói hỗ trợ của SeABank được phân bổ phù hợp với đặc thù ngành nghề, nhóm đối tượng, thông qua các chính sách cụ thể giúp doanh nghiệp tối ưu hóa nguồn vốn. Điều này cũng hoàn toàn hợp lý với mong muốn của doanh nghiệp bởi mỗi nhóm doanh nghiệp cần giải pháp tài chính khác nhau. Hiện nay, SeABank đang triển khai Chương trình "Lãi suất giảm sốc – Giải ngân siêu tốc" dành riêng cho khách hàng là doanh nghiệp đã và đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với thời hạn áp dụng đến hết ngày 31/12/2021. Hạn mức của chương trình này lên tới 2.000 tỷ đồng, lãi suất dao động 6,5 - 8%/năm. Ngoài ra, nhóm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu được SeABank áp dụng lãi suất ưu đãi, cụ thể: 5,6% - 6,4%/năm đối với đồng Việt Nam, 2,6% - 3%/năm đối với USD.
Cùng với những ưu đãi đặc thù, các ngân hàng gần đây có động thái điều chỉnh lãi suất cho vay đối với nhóm khách hàng gánh chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, trong một số lĩnh vực và ngành nghề như y tế, vận tải, dịch vụ lưu trú và ăn uống, giáo dục, đào tạo,…. Không chỉ giảm lãi suất cho vay với khoản vay hiện hữu, nhiều ngân hàng dành tín dụng vay ưu đãi cho khoản vay mới. Ngoài ra, các ngân hàng cũng song song thực hiện các công việc như: nâng cao hiệu quả giám sát sử dụng vốn vay của doanh nghiệp sau giải ngân; quản lý rủi ro, quản lý nợ xấu; xác định lãi suất cho vay theo từng nhóm doanh nghiệp trên cơ sở phân tích và đánh giá chính xác mức sinh lời;……..với mục tiêu lớn nhất là đảm bảo sự phát triển song phương. Không thể phủ nhận rằng hệ thống ngân hàng đã thực sự nỗ lực tối đa trong công tác huy động nguồn vốn, chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp. Với nguồn hỗ trợ đáng ghi nhận này, sẽ có nhiều hơn nữa doanh nghiệp Việt Nam được củng cố sức mạnh, được ưu tiên để nhanh chóng tái phục hồi hoạt động kinh doanh, góp phần đẩy mạnh quá trình phục hồi nền kinh tế quốc dân.
Hiện tại, đại dịch Covid-19 trên toàn quốc tuy đang cho thấy những dấu hiệu thuyên giảm nhưng vẫn khá phức tạp, thậm chí được dự báo mức độ tác động tiêu cực của đại dịch lên các doanh nghiệp Việt Nam có thể tăng cao hơn nữa. Do đó, các ngân hàng cũng đang tăng cường rà soát, thường xuyên điều chỉnh các chương trình cho vay sao cho phù hợp với diễn biến thực tế và tiếp tục thực thi các chính sách ưu đãi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong tiếp cận vốn.
Hà Linh
0 Nhận xét