VIỆT NAM CẦN LẬP TỨC BẮT TAY VÀO CÔNG CUỘC TÁI MỞ CỬA NỀN KINH TẾ
Mới đây, lãnh đạo một số hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam như Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham), Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham Việt Nam) và Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc (KoCham) đã thống nhất và đồng loạt ký tên trong bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về phương án chiến lược "Phòng ngừa và kiểm soát đại dịch theo từng khu vực" với mục tiêu then chốt là khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn song song với bối cảnh chống dịch mới.
Cũng trong bản kiến nghị này, lãnh đạo các hiệp hội các doanh nghiệp đã gửi lời cảm ơn tới Chính phủ Việt Nam trước những nỗ lực xây dựng kế hoạch ngăn chặn và kiểm soát Covid-19 đến mức tối đa, cùng với đó xác định hướng đi thực hiện mục tiêu tái mở cửa và vực dậy kinh tế. Nội dung kiến nghị nhấn mạnh: "Điều trọng yếu trước mắt là Việt Nam phải lập tức hành động, không trì hoãn để có thể duy trì ổn định khả năng cạnh tranh trong khu vực nói riêng và trên thế giới nói chung, bảo đảm không bị tụt hậu trong quá trình phục hồi kinh tế. Để thực hiện được điều này, các doanh nghiệp trên toàn quốc cần vạch ra lộ trình cụ thể cho việc tái mở cửa nền kinh tế và tiến hành theo đúng lộ trình đó."
Trong phạm vi các khảo sát do chính các hiệp hội thực hiện, kết quả đã chỉ ra tối thiểu 20% thành viên trong hiệp hội đã chuyển một số hoạt động sản xuất sang một quốc gia khác. Tuy chỉ là một bộ phận nhỏ nhưng phản ánh thực trạng đáng quan ngại bởi rất khó để quay lại một khi đã thay đổi sản xuất, đặc biệt khi dây chuyền sản xuất được mở rộng ở một quốc gia hay khu vực kinh tế khác. Không chỉ dừng lại ở đó, các thành viên trong hiệp hội bày tỏ sự quan ngại rõ rệt khi cho rằng Việt Nam có xu hướng bỏ lỡ những cơ hội đầu tư giá trị nhưng có thể không quay trở lại. Đầu tư sẽ không tăng nếu không có kế hoạch rõ ràng để tái mở cửa và phục hồi. Hiệp hội các doanh nghiệp nước ngoài cũng lo ngại về việc Việt Nam “vụt mất” khỏi tầm tay những cơ hội lớn để tận dụng đa dạng hóa chuỗi cung ứng đi từ Trung Quốc nếu không thể chứng minh đây là một sự thay thế đáng tin cậy. Tất cả các yếu tố trên đều khẳng định Việt Nam cần lập tức hành động để kịp thời khôi phục và duy trì khả năng cạnh tranh trong khu vực cũng như toàn cầu, kể cả so với các quốc gia láng giềng như Malaysia, Indonesia hay Thái Lan.
Bên cạnh đó, bảo vệ quan điểm "vaccine là yếu tố tiên quyết và cốt lõi", đại diện các hiệp hội doanh nghiệp cũng mong muốn các đối tượng ưu tiên tiêm vaccine có thể tập trung vào 05 nhóm chính gồm:
- Nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch
- Người từ 65 tuổi trở lên
- Người có bệnh lý nền
- Người vận chuyển và bán hàng hoá thiết yếu, thiết bị y tế
- Công nhân tại các khu công nghiệp, cảng và hậu cần, đặc biệt là khu vực phía Nam.
Đối với đề xuất về ban hành hệ thống thẻ xanh và thẻ vàng, các hiệp hội nhận định đây có thể là một phần hữu ích của kế hoạch tái mở cửa; nhưng cũng đặt ra rất nhiều thắc mắc, tập trung vào tính ứng dụng trong thực tế, cách thức kiểm soát sử dụng và phương án điều phối giữa các Bộ, ngành, đơn vị và các tỉnh để thuận lợi, đồng nhất trong nhận dạng, tiếp cận và di chuyển. Bản kiến nghị cũng đề xuất về ban hành hướng dẫn cơ chế cấp thẻ xanh cho nhóm người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, bởi một bộ phận người nước ngoài được chứng nhận đã tiêm chủng đầy đủ trước khi nhập cảnh vào Việt Nam.
Liên quan tới vấn đề tái mở cửa nền kinh tế và thiết lập trạng thái "bình thường mới" ngay bây giờ", các hiệp hội cho biết những doanh nghiệp đã có hồ sơ theo dõi được được chứng minh và kế hoạch rõ ràng cần được kích hoạt nhanh chóng để gánh vác một phần lớn trách nhiệm đối với việc làm và an toàn của người lao động, cũng như sẵn sàng mở cửa trở lại khi hoàn cảnh cho phép với sự giám sát sau khi thực hiện.
Ngoài ra, các hiệp hội cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phối hợp trên toàn quốc nói chung và giữa các tỉnh nói riêng. Bởi khi tiến tới trạng thái bình thường mới, song song với việc đảm bảo tiêm chủng nhiều hơn, điều then chốt là phải có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng nhất các chính sách trên toàn quốc, xuyên suốt từ khâu vận chuyển, xét nghiệm nhanh đến các chính sách để tách biệt và loại bỏ F0 khỏi cộng đồng một cách nhanh chóng, từ đó đảm bảo an toàn cho người lao động và ngăn chặn tối đa tác động tiêu cực tới đời sống và các kế hoạch tái mở cửa nền kinh tế đã đề ra.
Hà Linh
0 Nhận xét