TP HCM: DOANH NGHIỆP THẤP THỎM CHỜ THÔNG TIN NỚI LỎNG GIÃN CÁCH
Sáng ngày 29/09 – chỉ chưa đầy 48 giờ trước cột mốc ngày 1/10, TPHCM vẫn chưa ban hành bất kỳ văn bản chính thức nào về việc tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội trong phạm vi thành phố sau thời điểm nới lỏng giãn cách. Nói cách khác, các văn bản hiện vẫn tồn tại dưới dạng dự thảo.
Cũng như nhiều người dân TPHCM khác, Phó Chủ tịch thường trực Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) Nguyễn Chánh Phương thừa nhận: "Do chưa nắm bắt được thông tin chính thức nên bản thân doanh nghiệp của ông nói riêng và hiệp hội nói chung cũng chưa xác định phương án chuẩn bị như thế nào". Ông Phương cho biết trong thời gian gần đây, doanh nghiệp do ông làm chủ cũng đã dần mở cửa lại một cửa hàng trong phạm vi quận 7 – "vùng xanh" được TPHCM thí điểm nới lỏng giãn cách", dù vẫn hạn chế số lượng nhân viên có thể đi làm. Theo Phó Chủ tịch HAWA, những thông tin hiện tại mà người dân được phổ biến về cách triển khai cụ thể "thẻ xanh Covid" còn chưa rõ ràng, thậm chí thông tin cập nhật tiêm chủng chưa đồng bộ tạo nên không ít trở ngại và khó khăn cho doanh nghiệp trong việc chuẩn bị nguồn lực nhân sự. Bên cạnh đó, vấn đề di chuyển liên tỉnh, liên vùng vẫn chưa được quy định chính thức.
Thời điểm hiện tại, ông Phương nhận định công suất hoạt động của các doanh nghiệp thuộc HAWA thậm chí chưa đến 30% so với bình thường. Dù chính thức nới lỏng giãn cách toàn thành phố từ ngày 01/10 tới đây, ước tính khả năng các doanh nghiệp trong hiệp hội vượt 60% công suất thông thường trong Quý IV/2021 khá thấp khi còn nhiều khó khăn trước mắt, đặc biệt trong việc khôi phục hoàn toàn lực lượng lao động trong chuỗi sản xuất. Một trong những ưu tiên hàng đầu khi bình thường hoá hoạt động sản xuất là phải truyền thông cho các đối tác mua hàng về một kế hoạch phục hồi chắc chắn. Chính HAWA cũng đang từng bước làm việc với các cơ quan chức năng liên quan cho kế hoạch tổ chức một hội thảo truyền thông về phương án khôi phục sản xuất. "Nếu chứng kiến một kế hoạch cụ thể với sự cam kết, mức độ khả thi cao, các đối tác sẽ có xu hướng để hàng ở lại Việt Nam nhiều hơn", ông Phương cho hay.
Cùng quan điểm với ông Phương, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) – ông Chu Tiến Dũng cho biết các doanh nghiệp cũng đang mong chờ kế hoạch nới lỏng giãn cách chính thức của thành phố. Đối với phương án dự tính mở cửa lại nhiều hoạt động của TPHCM từ sau ngày 30/09, ông Dũng đánh giá số lượng, quy mô các hoạt động được áp dụng kế hoạch này tương đối rộng.
Dưới góc nhìn của ông Chu Tiến Dũng, điều cấp thiết nhất trong thời điểm hiện tại là nhanh chóng công bố chính thức các cấp độ 1-2-3-4 theo bộ tiêu chí thích ứng an toàn với Covid-19 cũng như các kịch bản chi tiết về ứng phó, điều hành kinh tế xã hội để toàn bộ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố dễ dàng nắm bắt, hạn chế tối đa tỷ lệ người dân không nắm bắt được trạng thái hiện tại của thành phố. Cụ thể, ông cho biết: "Bản thân người dân phải nắm bắt được thành phố đang ở cấp độ mấy, diễn biến đại dịch theo từng thời điểm như tăng hay giảm, tích cực hay tiêu cực. Không chỉ dừng lại ở đó, người dân cần phải được thông tin về số ca theo từng cấp độ, ứng với từng cấp độ thì cơ sở nào được mở/đóng, chính quyền làm gì, người dân và doanh nghiệp làm gì. Khi họ biết trước những thông tin liên quan tới phương án của thành phố và diễn biến thực tế, họ sẽ có sự chuẩn bị trước và tránh rơi vào trạng thái bị động. Đây là những công việc cơ bản nhất, nếu chính quyền làm được thì toàn bộ xã hội sẽ đồng thuận".
Theo ông Dũng, quy trình giải quyết trong trường hợp phát sinh ca nhiễm khôi phục hoạt động sản xuất là một trong những vấn đề cộng đồng doanh nghiệp đặt sự quan tâm hàng đầu. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng rất chú trọng vấn đề an toàn, chủ động phác thảo những kịch bản về y tế nội bộ trong doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng không bao giờ đánh đổi rủi ro nên khi sản xuất trở lại cũng sẽ chỉ làm từng bước để đảm bảo an toàn.
Trên cơ sở đó, ông Dũng dự báo nếu sau ngày 30/09, thành phố hoàn toàn nới lỏng các hoạt động kinh tế xã hội, các doanh nghiệp trên địa bàn cũng không thể lập tức và đồng loạt vực dậy đầy đủ công suất; bởi nguồn lực của doanh nghiệp đang đứng trên bờ vực cạn kiệt, phải có đủ thời gian chuẩn bị để sản xuất lại, chỉ có thể làm từ từ song song với quan sát diễn biến tình hình thực tế.
Ông Dũng khẳng định trong thời gian sắp tới, TPHCM cần giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, ban ngành, đồng thời có một đầu mối thống nhất triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh và hỗ trợ phục hồi nền kinh tế quốc dân.
Hà Linh
0 Nhận xét