BỘ TÀI CHÍNH MỚI ĐÂY ĐƯỢC GIAO TRỌNG TRÁCH XEM XÉT CƠ SỞ GIẢM LỆ PHÍ TRƯỚC BẠ VỚI Ô TÔ SẢN XUẤT, LẮP RÁP TRONG NƯỚC
Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP có hiệu lực từ ngày 09/09/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Theo đó, Nghị quyết được triển khai theo 03 mục tiêu then chốt:
- Khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh song song với bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19.
- Kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện cản trở luồng sản xuất và kinh doanh nói chung; đồng thời giảm thiểu tối đa tỷ lệ doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh phải tạm ngừng/giải thể/phá sản.
- Đạt một số chỉ tiêu và mục tiêu cụ thể về chính sách thu chi, chính sách hỗ trợ tín dụng, khôi phục trạng thái hoạt động bình thường,…cho tới hết năm 2021
Để thực hiện hiệu quả và đáp ứng yêu cầu mà mỗi mục tiêu đặt ra, Chính phủ quyết nghị tổng cộng 03 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chính:
1. Quyết liệt phòng chống dịch; tạo mọi điều kiện thuận lợi về lao động, chuyên gia; phân bổ nguồn vaccine hợp lý:
Trong tháng 9, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được giao trọng trách xây dựng phương án và chỉ đạo các địa phương linh động, thực hiện song song nới lỏng và thắt chặt một số quy định về điều kiện, thủ tục cấp, gia hạn và xác nhận giấy phép lao động cho những người lao động nước ngoài hiện đang làm việc tại Việt Nam. Hoạt động này không chỉ cần phù hợp với bối cảnh biến chuyển phức tạp của đại dịch trong và ngoài nước, mà phải bảo đảm an toàn về phòng, chống dịch Covid-19 ở mức tuyệt đối.
Cũng trong khoảng thời gian này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tập trung nghiên cứu, đưa ra đề xuất cấp có thẩm quyền theo trình tự, thủ tục rút gọn trong việc cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã thỏa thuận tăng thêm số giờ làm việc /tháng với người lao động nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất cấp bách trong thời điểm bùng phát đại dịch, tuy nhiên vẫn phải bảo đảm số giờ làm thêm tối đa không vượt mức 300 giờ/năm theo quy định pháp luật. Đồng thời, thực hiện nghiêm ngặt và hiệu quả các biện pháp phòng, chống đại dịch; song song với tạo điều kiện thuận lợi ở mức tối đa trong quá trình khôi phục, duy trì hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Đối với Bộ Y tế, Chính phủ giao trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức tiếp tục phân bổ nguồn vaccine sao cho hợp lý và hiệu quả, trên cơ sở bám sát các nghị quyết Chính phủ đã ban hành. Trong đó, tập trung bổ sung người lao động làm việc trong doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh tại các khu vực sau đây vào danh sách nhóm đối tượng ưu tiên tiêm vaccine:
- Vùng kinh tế trọng điểm.
- Khu kinh tế
- Khu công nghệ cao
- Khu công nghiệp, cụm công nghiệp
- Khu vực, địa bàn sản xuất, kinh doanh, chế biến các sản phẩm nông nghiệp, thủy hải sản
- Thực hiện hoạt động xuất, nhập khẩu và sử dụng nhiều lao động.
2. Cắt giảm một số chi phí; tháo gỡ khúc mắc về tài chính và dòng tiền:
Trong tháng 9, Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan xem xét quyết định hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền cân nhắc đưa ra quyết định về chính sách giá dịch vụ liên quan lĩnh vực hàng không, từ đó hỗ trợ các hãng hàng không trong giai đoạn khó khăn dưới tác động tiêu cực của các đợt bùng phát dịch bệnh.
Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính cùng các đơn vị liên quan nhanh chóng triển khai thực hiện Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 28/08 về phương án hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện (đợt 5) cho các khách hàng sử dụng điện theo đúng thủ tục pháp luật quy định; tuy nhiên phải bảo đảm thực hiện nghiêm túc, đúng mức và đúng đối tượng, tránh trường hợp lợi dụng trục lợi chính sách.
Bộ Tài chính kịp thời áp dụng các chính sách về giãn thời hạn nộp thuế, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất; cân nhắc trình Chính phủ đề xuất tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đến hết năm nay đối với ô tô sản xuất, lắp ráp nội địa; đánh giá tác động và bối cảnh hiện tại để xem xét giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp nội địa.
3. Đảm bảo ổn định, không gặp trở ngại trong sản xuất và lưu thông hàng hóa:
Bộ Giao thông vận tải mang nhiệm vụ hướng dẫn các địa phương vận hành "luồng xanh" vận tải đường bộ và đường thủy trong phạm vi toàn quốc, liên tỉnh, liên vùng nhằm phục vụ quá trình vận chuyển hàng hóa kịp thời, an toàn và thông suốt, dựa trên nguyên tắc đơn giản hóa thủ tục và thuận lợi; hạn chế tối đa khả năng làm tăng chi phí của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Bộ Công Thương cùng với các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương đẩy mạnh nhân lực và công tác quản lý thị trường, bảo đảm cân đối vật tư, hàng hóa thiết yếu đối với sản xuất và đời sống; đặc biệt không để các đối tượng lợi dụng tăng giá; tạo cơ hội và khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia chương trình xúc tiến thương mại trực tuyến.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương cùng các địa phương, hiệp hội, ngành hàng tổng hợp tình hình sản xuất, tiêu thụ, hoạt động của các doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến, hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; chủ động triển khai các giải pháp duy trì chuỗi sản xuất, đảm bảo cung ứng, tiêu thụ lương thực, thực phẩm, các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu khi thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội trong phòng, chống dịch bệnh.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bám sát tình hình thực tế để chỉ đạo, nhắc nhở các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp hỗ trợ, giải đáp và tháo gỡ khúc mắc trong vay vốn đối với các thương nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thu mua, tạm trữ thóc, gạo, đặc biệt tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Hà Linh
0 Nhận xét