MỨC PHẠT ĐỐI VỚI TRƯỜNG HỢP TRỐN NỘP PHÍ BOT CÓ THỂ LÊN TỚI 6 TRIỆU ĐỒNG
Vừa qua, Bộ Giao thông vận tải chính thức trình lên Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020. Trong bản đề xuất sửa đổi này, Bộ Giao thông vận tải tập trung đưa ra kiến nghị liên quan tới tăng mức phạt đối với một số hành vi vi phạm.
Bên cạnh đề xuất mô tả rõ ràng và chi tiết các hành vi vi phạm nhằm đảm bảo tính thống nhất, minh bạch trong quá trình áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính, Bộ Giao thông vận tải còn đặt ra những mức phạt mới dành riêng cho hành vi trốn tránh nghĩa vụ và chủ đích không trả tiền khi lưu thông qua trạm thu phí BOT. Cụ thể, áp dụng biện pháp phạt tiền với mức phạt từ 4 – 6 triệu đồng đối với cá nhân trực tiếp điều khiển phương tiện hoặc chủ phương tiện có thái độ trốn tránh và có hành vi không trả tiền dịch vụ sử dụng đường bộ tại các trạm thu phí.
Đại diện ban soạn thảo Nghị định 100 sửa đổi cho biết nguyên nhân chính dẫn tới phương án bổ sung trong xử phạt hành vi nói trên bắt nguồn từ xu hướng gia tăng tình trạng người dân cố ý đi xe ô tô qua trạm nhưng không trả phí nhằm công khai phản đối việc thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ. Tình trạng này xảy ra trong suốt thời gian tại một số trạm thu phí trên địa bàn cả nước và dấy lên những luồng thông tin tiêu cực, trái chiều.
Bên cạnh ấn định mức tiền phạt, bản dự thảo sửa đổi Nghị định 100 cũng quy định cụ thể những trường hợp phương tiện không đủ điều kiện để thu phí tự động không dừng (từ 1-2 triệu đồng), tiêu biểu như xe không gắn thẻ đầu cuối xe; xe gắn đầy đủ thẻ đầu cuối xe nhưng số tiền trong tài khoản thu phí không đủ để chi trả khi qua làn thu phí điện tử không dừng.
Phương án tăng nặng các mức xử phạt với nhiều hành vi vi phạm giao thông cũng là một trong những nội dung đáng quan tâm và gây chú ý trong dự thảo Nghị định lần này này. Đề xuất này được xây dựng nhằm ngăn chặn và giảm thiểu hàng loạt hành vi vi phạm như: đua ô tô, xe máy; ô tô chở hàng quá tải; xe khách chở quá số người quy định; tự ý thay đổi kết cấu và màu sơn phương tiện; người điều khiển xe không có giấy phép lái xe khi điều khiển máy có dung tích xi lanh lớn hơn 175 cm3; sử dụng giấy phép lái xe hết hạn;…….. Có thể kể đến một số kiến nghị tiêu biểu như sau:
- Hành vi người điều khiển ô tô che biển số xe: tăng từ 800.000 đồng – 1 triệu đồng lên mức 4-6 triệu đồng.
- Hành vi chở quá tải mà tổng trọng lượng xe vượt quá 10-20% tải trọng cho phép của cầu: phạt từ 4-6 triệu đồng.
- Hành vi chở quá tải mà tổng trọng lượng xe vượt quá 20-50% tải trọng cho phép của cầu: phạt từ 13-15 triệu đồng.
- Hành vi chở quá tải mà tổng trọng lượng xe vượt quá 50% tải trọng cho phép của cầu: phạt từ 40-50 triệu đồng.
Đại diện ban soạn thảo nhận định chế tài xử phạt vi phạm hành chính hiện nay đối với một số hành vi vi phạm này còn khá thấp và chưa thực sự phát huy hiệu quả trên thực tế. Do đó, việc đẩy mức xử phạt lên cao không chỉ nhằm mục đích thắt chặt tính răn đe hay nâng cao ý thức của người dân nói chung, mà qua đó còn phần nào ngăn chặn và giảm thiểu tối đa hậu quả nghiêm trọng do những hành vi vi phạm này gây ra.
Hà Linh
0 Nhận xét