MỚI ĐÂY, SÁNG KIẾN VẬN CHUYỂN THÓC GẠO BẰNG ĐƯỜNG THUỶ ĐÃ ĐƯỢC ĐỀ XUẤT VÀ CÂN NHẮC
Phương án vận chuyển thóc gạo qua đường thuỷ nêu trên được Bộ Công Thương trình lên Chính phủ; cụ thể, Bộ Công thương đề xuất xem xét, nghiên cứu mở luồng xanh phục vụ quá trình vận chuyển gạo bằng đường thuỷ bởi hiện nay, khoảng 95% thóc gạo tại đồng bằng sông Cửu Long lưu thông qua "kênh" này.
Trong đề xuất này, Bộ Công thương nhận định thách thức lớn nhất hiện nay mà nền nông nghiệp nói riêng và cả nước nói chung đang đối mặt chính những trở ngại và khó khăn trong quy trình thu hoạch, vận chuyển thóc, gạo khi đa phần các tỉnh phía Nam đang trong giai đoạn thực hiện chỉ thị về giãn cách xã hội. Hoàn cảnh này không chỉ gây ách tắc tiêu thụ trong nước, cụ thể trong quá trình vận chuyển từ đồng ruộng tới nhà máy sản xuất và từ nhà máy tới cảng, mà còn làm gián đoạn xuất khẩu ra nước ngoài; dẫn đến hình thành tâm lý e ngại việc ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo mới ở đại đa số thương nhân. Ngoài ra, mức chênh lệch giá chào bán và giá cước giao hàng cao cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với người nông dân và thương nhân. Với tầm nhìn quốc tế, những trở ngại và trì trệ mà Việt Nam đã và đang phải đối mặt do đại dịch bùng phát hoàn toàn có khả năng khiến chúng ta đánh mất những thị trường “quen thuộc” hiện nay như Malaysia, Trung Quốc,….vào tay các đối thủ đáng gờm như Thái Lan hay Ấn Độ. Bên cạnh đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết tốc độ lưu thông, phân phối hàng hóa bị gián đoạn nên hàng hoá tồn kho chưa được giải phóng khiến thương nhân không thể tiếp tục thu mua thóc gạo. Theo ghi nhận trong ba tháng trở lại đây, giá lúa tại đồng bằng sông Cửu Long liên tục sụt giảm từ mức 6.200 đồng một kg vào đầu tháng 5 xuống còn 4.700 đồng vào đầu tháng 8.
Đối mặt với tình trạng khó khăn chồng chất khó khăn, Bộ Công Thương đưa ra phương án mở "luồng xanh" vận chuyển gạo thông qua đường sông để giải toả ách tắc cũng như lưu thông xuất khẩu gạo. Bộ nhận định: "Việc khơi thông dòng chảy phương tiện chuyên chở sẽ giúp các thương nhân xuất khẩu gạo duy trì được chuỗi cung ứng lúa gạo hàng hóa từ đồng ruộng ra đến cảng xuất khẩu". Nhằm hiện thực hoá đề xuất này, Bộ Công thương đã xây dựng 02 phương án cụ thể hỗ trợ thương nhân thu mua lúa gạo ngay tại đồng ruộng:
- Phương án 1: chính quyền địa phương tại nơi sản xuất lúa gạo chấp nhận kết quả xét nghiệm nhanh Covid-19 và tiến hành thống kê đầy đủ thông tin cá nhân, lịch trình di chuyển của các thương nhân tiến hành thu mua lúa gạo tại ấp, xã cùng lực lượng bốc xếp. Ngoài ra, xem xét phân luồng xanh dành cho phương tiện vận chuyển lúa tươi về hệ thống nhà máy trong phạm vi gần nhất nhằm bảo đảm chất lượng của hàng tồn trữ. Đặc biệt trong lộ trình vận chuyển thóc gạo giữa các nhà máy khác tỉnh hoặc đến cảng, cần tăng cường các chốt kiểm dịch kết hợp cơ sở xét nghiệm cố định, lâu dài.
- Phương án 2: trường hợp thương nhân hỗ trợ cung cấp các bộ kit xét nghiệm nhanh cho các chốt trên sông, nhân viên trực chốt có trách nhiệm tiến hành xét nghiệm nhanh và đóng dấu thông hành cho các phương tiện tiếp tục di chuyển, tránh làm ách tắc dòng lưu thông. Nếu áp dụng phương án này, Bộ Công Thương đề nghị các địa phương chỉ yêu cầu giấy xác nhận âm tính PCR khi phương tiện rời điểm đầu và suốt qua trình di chuyển trên sông được phép sử dụng giấy xác nhận xét nghiệm nhanh tại các chốt để qua chốt kế tiếp cũng như điểm cuối.
datviet.trithuccuocsong.vn
Bên cạnh đề xuất về mở luồng xanh, Bộ Công Thương cũng đề nghị Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải làm việc với Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn để sớm mở lại tất cả các máng đóng rút gạo trong thời gian sớm nhất, nhằm giảm thiểu phần nào tình trạng ùn tắc container xuất khẩu gạo và cân nhắc về phí phụ thu trong bối cảnh Covid-19.
Đối với ngân hàng, Bộ Công thương đưa ra đề nghị về các gói hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu gạo; đồng thời cho phép doanh nghiệp được thế chấp vay vốn bằng chính sản phẩm sẽ thu mua. Ngoài ra, Bộ cũng đề nghị ngành y tế, các địa phương xem xét đưa các lao động trong chuỗi cung ứng lúa gạo vào diện ưu tiên tiêm vaccine.
Hà Linh
0 Nhận xét