HOT

6/recent/ticker-posts

NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐỒNG LOẠT "BỎ VIỆC" GIỮA ĐẠI DỊCH

TRƯỚC TÌNH CẢNH “Ở KHÔNG ĐƯỢC ĐI KHÔNG XONG”, NHIỀU NGƯỜI LAO ĐỘNG QUYẾT ĐỊNH “BỎ PHỐ VỀ QUÊ”

 

Trong bối cảnh đại dịch bùng phát khó kiểm soát với tốc độ lây lan nhanh chóng của biến chủng virus, phần lớn người lao động phải chật vật xoay xở với cuộc sống bó buộc tại thành phố và khó khăn khi đưa ra quyết định làm hay nghỉ, khi nghỉ làm thì không có nguồn thu nhập duy trì cuộc sống, nhưng tiếp tục đi làm thì đối mặt với nguy cơ lây nhiễm bất cứ lúc nào.

Câu chuyện của chị Thuỳ (quê Quảng Ngãi) là một ví dụ tiêu biểu. Có hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc tại vị trí công nhân may thuộc Công ty Pouyue, chị buộc phải đưa ra quyết định nghỉ việc và quay trở về Quảng Ngãi ổn định cuộc sống dù khá tiếc nuối khi đã gắn bó một thời gian dài với môi trường làm việc tốt. Chị cho biết chỉ trong 02 tháng ngắn ngủi, thu nhập của chị bị cắt giảm liên tiếp do số ngày nghỉ nhiều bởi phải trông con nhỏ trong lúc trường mầm non đóng cửa. Song song với đó, số ca nhiễm tại TP HCM không có dấu hiệu thuyên giảm, âm ỉ và bùng phát tại chính các nhà máy cũng khiến chị Thuỳ lo ngại và không dám tiếp tục đi làm. Tất cả những yếu tố khách quan này ngày một bó hẹp cuộc sống của chị khiến cho việc sinh hoạt hàng ngày trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Tương tự đa số người lao động trong thời điểm này, quyết định quay về của chị như “chiếc phao cứu sinh” khỏi tình trạng bế tắc và tương lai mù mịt khi cố gắng bám trụ lại thành phố.

Cùng quyết định như chị Thuỷ, chị Oanh – nhân viên may thuộc Khu chế xuất Linh Trung - TP HCM cũng chia sẻ công ty chị hiện đang tạm ngưng sản xuất vì không duy trì được phương án “3 tại chỗ” buộc chị phải nghỉ làm hơn một tháng trở lại đây. Chị giãi bày: "Tình hình dịch bệnh đáng quan ngại, cố gắng trụ lại thành phố càng lâu càng không đủ tiền đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, trong khi nếu đi làm lại thì sợ nguy cơ nhiễm bệnh cao nên tôi sẽ nghỉ hẳn và quay trở về Nghệ An lập nghiệp". Câu chuyện đáng buồn này không chỉ diễn ra với chị Oanh mà xảy ra với rất nhiều đồng nghiệp của chị, dù Công ty đã tìm mọi cách động viên người lao động chờ đợi và hứa hẹn tăng lương.


NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐỒNG LOẠT "BỎ VIỆC" GIỮA ĐẠI DỊCH - LUẬT TÂN SƠN


Không chỉ người lao động, các doanh nghiệp bán lẻ ở TP HCM cũng đang từng ngày đối mặt với khó khăn khi thiếu hụt nhân sự trầm trọng. Lãnh đạo một doanh nghiệp bán lẻ nằm trong top đầu của thị trường chia sẻ, dịch bệnh khiến gần 30% nhân viên phải đi cách ly. Số nhân viên còn lại thì viết đơn xin nghỉ vì lo sợ nhiễm bệnh khiến các hệ thống phải điều phối nhân sự thay đổi liên tục. Vì thiếu hụt nên phần đông nhân viên siêu thị làm việc lên tới 20 tiếng một ngày.

Bên cạnh các công ty nhỏ lẻ, những “ông lớn” trên thị trường cũng “lao đao” vì vấn đề nhân sự. Ông Hoàng Xuân Thái – Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Furukawa Automotive Parts Vietnam Inc thừa nhận dù đang từng bước áp dụng và duy trì phương án “3 tại chỗ”, số lượng người lao động nghỉ việc và trở về quê sau khi phát hiện ca nghi nhiễm trong nội bộ doanh nghiệp đã tạo nên tình trạng thiếu hụt nhân công hiện tại cũng như làm phát sinh khó khăn chồng chất khó khăn trong công tác tuyển dụng sau này. Cùng hoàn cảnh tương tự, lãnh đạo một doanh nghiệp dệt may ở Bình Dương cho hay, kể từ thời điểm áp dụng “3 tại chỗ”, có khoảng 1.000 lao động tại doanh nghiệp này đã xin nghỉ việc và không có xu hướng thuyên giảm khi nhiều công nhân lo sợ F0 xuất hiện tại nhà máy. Là một doanh nghiệp “có tiếng” trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan với hơn 30 nhà máy tại các tỉnh thành trên toàn quốc cũng không nằm ngoài vòng xoáy thiếu hụt nhân lực lao động với tỷ lệ nghỉ việc cao. 

NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐỒNG LOẠT "BỎ VIỆC" GIỮA ĐẠI DỊCH - LUẬT TÂN SƠN

Có thể dễ dàng nhận thấy, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là những bất cập trước mắt của việc áp dụng phương án “3 tại chỗ” khiến một số lao động nữ không thể đáp ứng vì họ phải trông con tại gia đình trong khi các lao động khác lo sợ bùng dịch trong trường hợp xuất hiện ca nhiễm tại chính nơi họ sinh sống và làm việc. "Chúng tôi bị ảnh hưởng lớn về lực lượng lao động khi tỷ lệ nghỉ việc của tập đoàn trong năm nay dự kiến lên đến 100% (chủ yếu tập trung ở khối bán lẻ), con số được ghi nhận cao nhất từ trước tới nay", bà Nguyễn Thị Phương – Phó tổng giám đốc thường trực VinCommerce (Công ty con trực thuộc Tập đoàn Masan) thừa nhận. Bà cho biết Công ty đã nỗ lực khắc phục bất cập này bằng cách điều động nhân viên từ vùng khác về hỗ trợ dù vấp phải nhiều trở ngại khi dịch bệnh ngày một lây lan nhanh chóng.

     Hà Linh

Đăng nhận xét

0 Nhận xét