DOANH NGHIỆP BÁN LẺ ĐỐI MẶT VỚI NHỮNG KHÓ KHĂN KHI ĐẠI DỊCH KÉO DÀI
Trong báo cáo phân tích gần đây từ các công ty chứng khoán, hệ thống doanh nghiệp bán lẻ được nhắc tới với triển vọng tích cực, đặc biệt trong thời điểm giãn cách khi tâm lý tích trữ và nhu cầu tiêu dùng của đại đa số người dân tăng vọt, thể hiện ở doanh thu của các doanh nghiệp đều chạm mức kỷ lục. Doanh thu của Bách Hoá Xanh là một trong những minh chứng rõ rệt. Chỉ trong tháng 7/2021, chuỗi cửa hàng này ghi nhận kỷ lục với mức doanh thu chạm mức gần 4.240 tỷ đồng, tăng 55% so với tháng trước và tăng 133% so cùng kỳ năm 2020. Bên cạnh đó, lưu lượng khách bình quân tăng gấp hơn hai lần với lượng hàng tươi sống bán ra tăng vọt từ 2-3 lần so với giai đoạn trước. Tăng trưởng vượt trội đã góp phần đẩy tỷ lệ đóng góp của Bách Hóa Xanh vào tổng doanh thu của MWG lên tới 45%, hoàn toàn “vượt mặt” chuỗi điện thoại và điện máy. Báo cáo chiến lược nửa cuối năm 2021 của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã cho thấy kỳ vọng rõ rệt vào sự vững mạnh và phát triển vượt trội của nhóm doanh nghiệp hàng tiêu dùng và bán lẻ như Công ty Cổ phần Thế giới di động (MWG) và Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan với kết quả kinh doanh khả quan, từ đó thúc đẩy mạnh mẽ toàn thị trường và nền kinh tế.
Trái ngược với những kết quả vượt bậc nêu trên, lãnh đạo MWG bày tỏ sự quan ngại rõ ràng. Trong buổi họp trực tuyến cuối tuần trước, lãnh đạo Công ty nhận định: "Việc tăng cường giãn cách xã hội ở nhiều địa phương nhằm kiểm soát dịch bệnh có thể gián tiếp tác động đến kết quả kinh doanh tháng 8, dự kiến là tháng thấp điểm. Nếu tiếp tục kéo dài các biện pháp giãn cách trong các tháng cuối năm, công ty sẽ đối mặt với hàng loạt khó khăn và trở ngại trong việc thực hiện kế hoạch kinh doanh đã đề ra". Có thể thấy với diễn biến xã hội hiện nay, mối lo của MWG không phải vô căn cứ. Thực tế, tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc trong sức mua gần đây chủ yếu đến từ các mặt hàng thiết yếu. Cầu của nhóm sản phẩm này không co giãn đáng kể theo thu nhập; nói cách khác, nhu cầu mua sắm những mặt hàng này vẫn không biến động dù mức thu nhập của người dân tăng lên hay sụt giảm, mà chỉ tăng nhất thời do tâm lý tích trữ trước khi giãn cách. Mặc dù vậy, biên lợi nhuận của những mặt hàng này không cao. Trái lại, các sản phẩm mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho các chuỗi bán lẻ lại có mức độ co dãn lớn hơn về cầu. Nói cách khác, trong khi thiếu hụt các sản phẩm thiết yếu dẫn đến các chuỗi bán mặt hàng này tăng trưởng đột biến, phần còn lại của ngành bán lẻ đang đứng trước nguy cơ rơi vào khủng hoảng đình trệ. Theo dự đoán của ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch MWG, thu nhập của người tiêu dùng sụt giảm sẽ khiến sức mua giảm và tình trạng này sẽ tiếp diễn lâu dài, không chỉ giới hạn trong chỉ năm nay mà có thể kéo dài tới năm sau và không loại trừ khả năng đến cả giai đoạn 2023 - 2024.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong nửa đầu năm 2021 có dấu hiệu tăng 4,9% so với cùng kỳ nhưng bước sang tháng 7, tổng mức bán lẻ giảm 8,3% so với tháng trước và giảm mạnh 20% so với cùng kỳ năm 2020. Số liệu này cùng doanh thu kỷ lục của MWG và những chuỗi siêu thị trong tháng 7 phản ánh rõ nét tốc độ sụt giảm đáng báo động của ngành bán lẻ với các ngành hàng khác trong thời điểm bùng dịch. Đối với riêng MWG, dù doanh thu tháng 7 tăng 10% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận chứng kiến sự xuống dốc tới 29%. Thậm chí, sự bù đắp tưởng chừng như đáng kể của Bách Hóa Xanh trong cấu trúc doanh thu vẫn không thể mang lại ảnh hưởng tương tự về lợi nhuận.
Những thực tế đáng quan ngại nêu trên đã đặt ra câu hỏi rằng liệu bán lẻ có hoàn toàn tiêu cực? Cũng như nhiều ngành khác, mô hình chữ K cũng đúng với lĩnh vực này. Ngoài sự phân hóa giữa các ngành hàng, giai đoạn giãn cách với việc dừng hoạt động các mô hình bán lẻ truyền thống đã tạo cơ hội cho các kênh hiện đại rút ngắn khoảng cách. Tính tới thời điểm trước khi bùng phát dịch bệnh, cấu trúc ngành bán lẻ của Việt Nam vẫn chủ yếu phát triển thông qua các kênh truyền thống. Đến cuối năm 2018, các cửa hàng bách hóa hiện đại mới chỉ chiếm 10% thị phần. Tuy nhiên, những con số này đã nhanh chóng thay đổi. Cụ thể, sự đảo lộn mà đại dịch Covid-19 gây ra đã mang đến cho thị trường những thay đổi đáng kể, tiêu biểu là xu hướng dịch chuyển từ những cửa hàng tạp hóa nhỏ sang các siêu thị mini. Dù không thể thay thế hoàn toàn các kênh bán hàng truyền thống, xu hướng hiện đại hóa này sẽ còn tồn tại trong tương lai khi kỳ vọng của khách hàng cho tiêu dùng ngày càng tăng. Tuy nhiên, tính bền vững của xu hướng này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Những vấn đề về chuỗi cung ứng, năng lực phục vụ đã phát sinh khi nhu cầu của khách hàng tăng vọt. Niêm yết sai giá, thiếu hàng hoá do không kịp nhập hàng, thiếu sự đa dạng, thái độ phục vụ chưa hoàn tiện,….là hàng loạt vấn đề đã xảy ra với các chuỗi siêu thị. Theo lãnh đạo MWG, nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu của thị trường tăng quá nhanh, nhân sự bị quá tải và ảnh hưởng một phần do dịch bệnh; đồng thời các siêu thị nhìn chung chưa được trang bị hoàn toàn để đối mặt với tình trạng bùng phát trong thời gian ngắn ngủi.
0 Nhận xét