THẮNG THẾ TRÊN MẶT TRẬN CHÍNH TRỊ NHƯNG TALIBAN ĐANG ĐỐI MẶT VỚI BỜ VỰC MANG TÊN “NỀN KINH TẾ SỤP ĐỔ”
Sau chiến thắng áp đảo về quân sự trên lãnh thổ Afghanistan, Taliban dường như không có cơ hội tận hưởng thành quả của mình mà phải đứng trên bờ vực nền kinh tế lụi tàn đầu tiên trong lịch sử đất nước. Kể từ khi chính phủ của Tổng thống Ashraf Ghani sụp đổ ngày 15/08 vừa qua, Afghanistan chưa thực sự thiết lập được chính quyền hợp pháp, cũng như hàng loạt ngân hàng và sàn giao dịch tiền tệ vẫn không cho thấy dấu hiệu hoạt động trở lại, làm ngưng trệ toàn bộ nền kinh tế nói chung. Quay trở lại thời kỳ những năm 1990, việc tiếp quản quyền lực như một đòn bẩy giúp Taliban vực dậy nền kinh tế Afghanistan, kết thúc giao tranh giữa các thế lực thù địch và lưu thông các con đường giao thương. Cũng trong khoảng thời gian này, các quốc gia như Pakistan, Arab Saudi, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) nhân cơ hội này thiết lập quan hệ ngoại giao với Taliban. Tình hình ổn định sau đó giúp phong trào thu hút thêm sự ủng hộ.
Tuy nhiên, trái với câu chuyện trong quá khứ, cho tới thời điểm hiện tại việc chưa một quốc gia hay hệ thống chính trị nào công nhận chế độ mới ở Kabul đã trực tiếp giáng một cú chí mạng vào nền kinh tế tại đất nước này. Tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết Afghanistan không còn khả năng nhận hỗ trợ từ các nguồn lực của tổ chức, trong đó bao gồm khoản tiền 440 triệu USD từ quyền rút vốn đặc biệt, với nguyên nhân "cộng đồng quốc tế hiện nay chưa rõ ràng về việc công nhận một chính phủ". Tình hình còn trở nên tồi tệ hơn khi, cựu thống đốc ngân hàng trung ương Afghanistan Ajmal Ahmady thừa nhận khoản dự trữ trị giá 9 tỷ USD được gửi tại các ngân hàng ở Washington đã lập tức bị đóng băng sau khi Taliban nắm quyền kiểm soát Kabul. Không chỉ dừng lại ở đó, viện trợ nước ngoài và kiều hối từ người dân Afghanistan ở nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của đất nước, tuy nhiên hiện nay cũng chính thức bị các ngân hàng như Western Union và MoneyGram chặn đứng do lo ngại vi phạm trong bối cảnh Taliban đang chịu các lệnh trừng phạt quốc tế. Trước tình hình có phần hỗn loạn và bế tắc này, các chuyên gia nhận định phương án khả thi để cứu được Afghanistan khỏi những hậu quả kinh tế thảm khốc là Taliban xây dựng và nhanh chóng tiến hành kế hoạch thành lập một chính phủ rộng mở, ôn hòa với những lực lượng chính trị đối lập. Zakhilwal, người vừa trở lại Kabul để tham gia các cuộc đàm phán chia sẻ quyền lực với Taliban, cho biết ông đang làm việc với lực lượng này để đưa Kabul trở về trạng thái bình thường, bằng cách tái mở cửa các ngân hàng, văn phòng và bộ ngành. Với tình hình chính sự diễn biến phức tạp hiện nay, Zakhilwal cho rằng sẽ hữu ích hơn rất nhiều nếu sử dụng những công chức hiện có tại các tổ chức kinh tế chủ chốt để thay thế đội ngũ quan chức cấp cao thay vì những gương mặt mới mà cộng đồng quốc tế không quen thuộc.
Bỏ ngoài tai những cảnh báo quyết liệt và tình trạng ngày một tồi tệ trước mắt, Taliban chưa cho thấy bất kỳ động thái tích cực nào cho tới nay. Ngày 23/08 vừa qua, Taliban chính thức chỉ định Hajji Mohammad Idris – một trong những thành viên cấp cao của phong trào đảm nhận vị trí tân Thống đốc ngân hàng trung ương Afghanistan thay thế Ahmady, thay vì thăng cấp cho một công chức có sẵn trong bộ máy. Đồng thờ bảo đảm không gián đoạn việc thanh toán tiền lương cho hệ thống viên chức cũng như sớm khôi phục hoạt động của ngân hàng. Bên cạnh đó, Taliban cho biết họ sẽ chỉ thành lập chính phủ mới hợp pháp sau khi chứng kiến toàn bộ lực lượng Mỹ rời khỏi sân bay Kabul.
Trong bối cảnh các ngân hàng và hầu hết cửa hàng đóng cửa, người dân Afghanistan cho biết thứ được săn lùng nhất tại Kabul hiện nay lại chính là thứ tưởng chừng như bình dân nhất – thẻ cào để nạp tiền điện thoại. Chúng được bán với mức giá khó tin so với bình thường nhưng không ngăn được nhu cầu của người dân. Nhiều loại thẻ thuộc sở hữu của các công ty viễn thông nước ngoài và họ vẫn phủ sóng tại quốc gia này. Theo Baryalai – hiện sinh sống tại thành phố Mazar-e-Sharif ở phía bắc, các cây ATM vẫn hoạt động nhưng hạn mức rút tiền chỉ còn 10.000 afghani mỗi ngày thay vì 30.000 afghani như trước (lần lượt tương đương với 348USD và 116 USD). Baryalai bày tỏ sự quan ngại rõ rệt khi không một ngân hàng nào mở cửa khiến khoản tiền trong các cây ATM ngày một khan hiếm dần. Trong khi đó, giá những mặt hàng cơ bản và thiết yếu như bột mì, dầu ăn, gas,…… có xu hướng tăng chóng mặt, thậm chí chạm mức tăng 50% so với bình thường. Tuy nhiên, những người có tiền, thay vì tiêu tốn quá nhiều vào thời điểm này, có tâm lý tích cóp để phòng trừ những trường hợp tồi tệ nhất có thể xảy ra trong tương lai. Đi ngược lại với bối cảnh bất ổn hiện nay, tiền thuê nhà là khoản chi phí duy nhất được giảm mạnh, thậm chí miễn phí tại Afghanistan; bởi đa phần người dân Afghanistan mang tâm lý lo sợ bị quân đội Taliban chiếm đóng toàn bộ nếu nhà để trống. Có lẽ điểm tích cực hiếm hoi trong thời điểm Taliban nắm quyền kiểm soát là nguồn cung cấp điện trên khắp đất nước đang ổn định hơn, một phần bởi nhu cầu giảm khi các văn phòng chính quyền và nhiều doanh nghiệp đóng cửa. Bên cạnh đó, Taliban không còn phá hủy các cột điện trên những đường dây chính. Một số nhà hàng và quán cà phê tại Kabul đang mở cửa trở lại, nhưng tình hình kinh doanh rất chậm chạp. "Một chỉ huy Taliban phụ trách trạm kiểm soát gần quán cà phê đã đến ăn bánh ngọt, uống cà phê và tỏ ra hài lòng. Tuy nhiên, thành phố đang dần tàn lụi. Mọi người đang vô vọng", người dân nhận định.
Hà Linh
0 Nhận xét