HOT

6/recent/ticker-posts

HÀ NỘI: QUYẾT TÂM CAO ĐỘ TRONG ĐỢT GIÃN CÁCH THỨ HAI

CHÍNH QUYỀN VÀ LỰC LƯỢNG CHỨC NĂNG THÀNH PHỐ HÀ NỘI QUYẾT LIỆT CHỐNG DỊCH NHẰM KHÔI PHỤC TRẠNG THÁI BÌNH THƯỜNG MỚI

 

1. Tiếp tục giãn cách toàn thành phố:

Tại buổi họp báo thông tin về công tác phòng, chống dịch Covid-19 ngày 20/08 vừa qua, ông Nguyễn Văn Phong – Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nhận định dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và đáng mong đợi bắt đầu đợt giãn cách xã hội từ ngày 24/7 tuy nhiên chính quyền và người dân không nên chủ quan bởi nguy cơ dịch bệnh tiềm ẩn ở Hà Nội vẫn rất cao, bởi số ca trong cộng đồng vẫn tồn tại cũng như tinh hình dịch bệnh ở các tỉnh lân cận vẫn biến động hàng ngày theo chiều hướng phức tạp. Ông cũng khẳng định: "Nếu lơ là công tác chống dịch quyết liệt, thực chất, hiệu quả thì tình hình dịch bệnh vẫn có khả năng bùng phát trên địa bàn thành phố".

Trước đó, đứng trước quyết định tiếp tục thực hiện giãn cách từ 06h00 ngày 08/08 đến 06h00 ngày 23/08, ông Phong cho biết, ở thời điểm đó, việc giãn cách được coi là bắt buộc thực hiện để có thể vừa chống dịch hiệu quả vừa bảo đảm duy trì hiệu quả mạng lưới giao thương vận chuyển hàng hoá cùng hệ thống y tế trong và ngoài thành phố trên mọi phương diện; bởi lúc bấy giờ diễn biến dịch bệnh có nguy cơ bùng phát rất cao, thậm chí đã có dấu hiệu xâm nhập vào những nơi đông người tập trung như khu công nghiệp, chợ, siêu thị, bệnh viện, khu dân cư,.....với nhiều ca bệnh không rõ nguồn lây. Theo Bí thư thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Thành ủy đặt ra quan điểm chỉ đạo phòng, chống dịch là chủ động phòng tránh, chuẩn bị trước mọi tình huống có thể xảy ra, quyết tâm không để phải cách ly F0 tại nhà.

2. Mở chiến dịch xét nghiệm diện rộng "truy tìm" F0:

Trong thời gian sắp tới, song song với chiến dịch tiêm chủng vaccine, Hà Nội cũng triển khai đợt tổng lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc lớn nhất tính đến thời điểm hiện tại. Để thực hiện kế hoạch, Uỷ ban nhân dân Thành phố huy động triệt để mọi nguồn lực tiến hành xét nghiệm diện rộng trong phạm vi toàn thành phố với mục tiêu xét nghiệm đúng – trúng khu vực cùng nhóm đối tượng có nguy cơ cũng như xét nghiệm theo đại diện hộ gia đình. Chiến dịch này được chia thành 02 giai đoạn chính:

    - Giai đoạn 1: Lấy mẫu tại các khu vực, đối tượng có nguy cơ cao ở 30 quận, huyện, thị xã với tổng cộng 300.000 mẫu, với 186.000 mẫu xét nghiệm của người sống trong khu vực nguy cơ (tập trung chủ yếu tại các quận Hoàng Mai và Đống Đa, mỗi địa bàn theo kế hoạch lấy 50.000 mẫu) và 114.000 mẫu xét nghiệm của người thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao. Song song với đó, truy vết triệt để F1, giảm "vùng đỏ" và duy trì hiệu quả “vùng xanh”, kiểm soát chặt chẽ không để phát sinh chùm ca bệnh mới.

    - Giai đoạn 2: Tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm diện rộng để khoanh vùng F0 tại 03 khu vực chính: "vùng đỏ", khu vực nguy cơ cao, khu vực trọng điểm. Tiến tới lấy mẫu xét nghiệm cho 100% dân số tại các khu vực dịch có diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, thành phố sẽ thực hiện xét nghiệm tối đa khoảng 1,3 triệu mẫu bằng kỹ thuật RT-PCR và 2 triệu test nhanh.

HÀ NỘI: QUYẾT TÂM CAO ĐỘ TRONG ĐỢT GIÃN CÁCH THỨ HAI - LUẬT TÂN SƠN

3. Thắt chặt việc đi lại, thành lập hơn 4.000 chốt kiểm soát nội đô:

Nhằm bảo đảm thực hiện nghiêm túc và hiệu quả Công điện số 18/CĐ-UBND của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố về tiếp tục giãn cách xã hội, Hà Nội đã ban hành văn bản quy định chi tiết về giấy đi đường cho 05 nhóm đối tượng đủ điều kiện lưu thông trên địa bàn thành phố. Quy định này trên thực tế tạo điều kiện tối đa cho người dân các tỉnh, thành phố khác di chuyển ra khỏi Hà Nội sau thời gian điều trị tại các bệnh viện; ngoài ra nhằm thống nhất mẫu giấy tờ, quy trình kiểm soát việc di chuyển của lực lượng công vụ, y tế, công nhân, lao động hiện đang sinh sống tại khu vực ven đô.

Bên cạnh đó, ngay trong đợt giãn cách xã hội đầu tiên, lực lượng Công an thành phố đã nhanh chóng triển khai tổng cộng 23 chốt kiểm soát tại các cửa ngõ và 44 chốt tại các đường nhánh, đường ngang để kịp thời kiểm soát người cùng phương tiện ra, vào thành phố. Giai đoạn sau đó, Công an thành phố chỉ đạo Công an các quận, huyện, thị xã tham mưu thành lập khoảng 4.000 chốt nội thành với mục tiêu kiểm soát người và phương tiện song song bảo vệ triệt để "vùng xanh". Cùng với đó, thành lập 800 tổ tuần tra lưu động để kiểm soát, giám sát việc chấp hành giãn cách xã hội toàn dân, từ đó kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm quy định giãn cách như ra khỏi nhà không có lý do chính đáng, không đeo khẩu trang,….. Đến ngày 16/08, 6 tổ công tác tuần tra đã được thành lập và tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên người và phương tiện trên mọi cung đường và tuyến phố bất kỳ.

HÀ NỘI: QUYẾT TÂM CAO ĐỘ TRONG ĐỢT GIÃN CÁCH THỨ HAI - LUẬT TÂN SƠN

4. Thực thi chính sách hỗ trợ người dân:

Mới đây, Hội đồng nhân dân thành phố đã ban hành Nghị quyết số 15/NQ-HĐND quy định cụ thể một số chính sách hỗ trợ 03 nhóm đối tượng đặc thù gồm:

     (i) Các hộ nghèo, hộ cận nghèo;

     (ii) Các đối tượng bảo trợ xã hội;

   (iii) Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, thương binh hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng, thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.

Ngoài ra, trường hợp người lao động chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch mà chưa thuộc nhóm đối tượng được hỗ trợ theo các nghị quyết, quyết định của Chính phủ cũng đã được Hà Nội bổ sung. Theo đó, các trường hợp này có thể kể đến người lao động: (i) làm việc tại hộ kinh doanh và (ii) làm việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp các cấp từ mầm non đến giáo dục nghề nghiệp. Những đối tượng này phải tạm ngưng hoặc chấm dứt hợp đồng lao động do hộ kinh doanh và cơ sở giáo dục phải dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thời điểm bùng phát đại dịch. Riêng đối với người lao động đang mang thai, đang nuôi con đẻ/con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ chưa đủ 6 tuổi cũng được hỗ trợ khoản tiền 1 triệu đồng/người.

Kết hợp với các chính sách hỗ trợ nhóm đối tượng đặc thù, Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố cũng quyết định hỗ trợ 100% tiền sử dụng nước sạch sinh hoạt trong 04 tháng cuối năm 2021 cho:

    - Các cơ sở cách ly, khám chữa tập trung bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm Covid-19

     - Các hộ dân thuộc nhóm hộ nghèo, hộ cận nghèo ở mức sinh hoạt một sử dụng nước sạch cho mục đích sinh hoạt (tối đa là 10m3 nước/hộ dân).

Đồng thời, hỗ trợ 15% trên tổng hóa đơn tiền nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt phải trả của các hộ dân khác không thuộc hai nhóm trên.

     Hà Linh

Đăng nhận xét

0 Nhận xét