CHÂU ÂU CHUYỂN HƯỚNG TÌM CÁCH “SỐNG CHUNG VỚI COVID-19” THAY VÌ XOÁ SỔ TRIỆT ĐỂ
Với tâm lý không đặt nhiều kỳ vọng vào tương lai biến mất hoàn toàn của đại dịch Covid-19, chính phủ tại các quốc gia châu Âu đã và đang thực hiện hàng loạt biện pháp tự bảo vệ cho người dân như: lên kế hoạch tiêm liều tăng cường, áp dụng nghiêm ngặt quy định đeo khẩu trang khi ra ngoài, thường xuyên xét nghiệm hay áp dụng tối đa chính sách giãn cách xã hội với mục tiêu kiểm soát phần nào sự lây lan của Covid-19 trước khi mùa đông tới.
Tại Đức – quốc gia chưa từng dỡ bỏ các biện pháp hạn chế Covid-19, chỉ những người đảm bảo đã tiêm chủng, hoàn toàn phục hồi sau nhiễm dịch hoặc kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 mới được phép tới những địa điểm đông người trong nhà như nhà hàng, bệnh viện,….. trừ trường hợp số ca nhiễm tại quốc gia này chạm mức sàn. Song song với đó, khẩu trang vẫn là bắt buộc với mọi cá nhân (kể cả những người đã tiêm đầy đủ vaccine hay những người hoàn toàn khoẻ mạnh), trong không gian kín và trên phương tiện công cộng. Tại Berlin, ngay tại thời điểm tháng 8 khi bắt đầu năm học mới, toàn bộ học sinh phải tuân thủ quy định về đeo khẩu trang trong khuôn viên trường và tiến hành xét nghiệm vài lần hàng tuần. Chính phủ cũng đã viết thư cho các gia đình có trẻ đủ tuổi tiêm chủng để khuyến khích phụ huynh cho con đi tiêm.
Không nằm trong vòng ngoại lệ, Pháp và Italy cũng yêu cầu người dân xuất trình chứng nhận tiêm chủng hoặc kết quả xét nghiệm âm tính, chứng minh hoàn toàn phục hồi sau nhiễm khi tham gia các hoạt động kể cả mang tính thường ngày như đi lại, ăn uống,…... Nhằm tối đa hoá hiệu quả phòng dịch trên phạm vi toàn quốc, Pháp còn áp dụng mức phạt tiền lên tới 10.600 USD hoặc phạt tù một năm đối với không kiểm tra chứng nhận y tế của khách hàng trước khi vào. Cũng như Pháp, Italy cũng đang chuẩn bị tâm lý sẵn sàng đối mặt với cuộc chiến trường kỳ trong đại dịch. Chính phủ Italy đã sử dụng hệ thống mã màu để phân loại tình trạng đại dịch theo từng khu vực địa lý và nhận biết mức độ nghiêm trọng của các biện pháp hạn chế; cụ thể khu vực màu đỏ là nơi buộc phải áp dụng nhiều biện pháp hạn chế nhất, lần lượt sau đó là vàng, xanh lá cây và cuối cùng là trắng – những khu vực hầu như không có biện pháp nào ngoài đeo khẩu trang ở không gian công cộng trong nhà. Điều đáng mừng là đại đa số các vùng của Italy hiện duy trì ở mức trắng, tuy nhiên Silicy và Sardinia – hai điểm du lịch nổi tiếng tại quốc gia này đang đối mặt với nguy cơ nâng cấp lên màu vàng do sự bùng phát của biến thể Delta.
Qua hàng loạt tác động rõ rệt trên thế giới, vaccine đã chứng minh hiệu quả tối đa trong việc ngăn ngừa nguy cơ bệnh nặng và tỷ lệ tử vong, nhưng sự phát tán của biến thể Delta với khả năng dễ lây lan cũng như mức độ nguy hiểm đã dập tắt hy vọng về một thế giới hoàn toàn “sạch bóng” đại dịch và trở lại nhịp sống bình thường như trước kia. Các chuyên gia trong lĩnh vực khoa học cho biết kế hoạch “sống chung với đại dịch” của các quốc gia phần nào phản ánh thực trạng rằng Covid-19 sẽ không biến mất nhanh như khi xuất hiện, thậm chí có khả năng trở thành bệnh theo mùa như cúm tuy chưa thể xác định chính xác quy tình này mất bao nhiều thời gian. Tuy nhiên, xét theo khía cạnh tích cực, vaccine xuất hiện báo hiệu giai đoạn chết chóc nhất của đại dịch gần như chắc chắn đã qua.
Sau những nỗ lực của chính phủ các quốc gia Châu Âu trong công tác phòng chống dịch, số ca nhiễm mới ở châu Âu đang có xu hướng giảm. Số liệu thống kê trong một tuần cho thấy số ca nhiễm trung bình ở khu vực Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh là khoảng 95.500 ca vào ngày 15/8 (tương đương 186 ca/một triệu người) và giảm 14% so với thời kỳ đỉnh điểm vào cuối tháng 7. Tỷ lệ nhập viện ở châu Âu cũng thấp hơn đợt bùng phát trước; cụ thể: số ca nhập viện ở Pháp là 65 ca/một triệu người trong tuần đầu tháng 8; tại Đức và Italy, tỷ lệ này cũng giảm 90% so với giai đoạn đỉnh điểm, trong khi tỷ lệ nhập viện của Anh cũng giảm đến 80%. Có thể thấy số ca tử vong mới ở châu Âu và Mỹ đều chỉ bằng một phần nhỏ so với các đợt bùng phát trước.
Về công tác tiêm chủng, Châu Âu đã chứng minh với thế giới những tiến bộ vượt trội đáng ghi nhận. 53% dân số EU đã tiêm đủ liều vaccine, trong đó gồm: Tây Ban Nha (63%), Italy (57%), Đức (57%), Pháp (52%),….. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng chính phủ và người dân không nên chủ quan bởi mục tiêu miễn dịch cộng đồng vẫn còn xa vời, đặc biệt trong thời điểm biến chủng mới vẫn đe doạ tới an toàn tính mạng.
Hạn chế đi lại và cách ly ca nhiễm được đánh giá là biện pháp phổ biến ở châu Âu và có thể được duy trì trong một thời gian dài. Nhiều quốc gia đã tăng cường giải mã gene để giám sát tốt hơn biến chủng nCoV. Tiêm liều tăng cường cho nhóm người cao tuổi và dễ bị tổn thương đã được lên kế hoạch hoặc bắt đầu triển khai, dù Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi ưu tiên nguồn vaccine cho nhóm nước nghèo. Nhiều chính phủ cũng mở rộng xét nghiệm thường xuyên để kịp thời phát hiện ca nhiễm và nhanh chóng truy vết tiếp xúc.
0 Nhận xét