VỚI TIỀM NĂNG THỐNG TRỊ THỊ TRƯỜNG SÀN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ, AMAZON RƠI VÀO TẦM NGẮM CỦA CHÍNH PHỦ MỸ
Sự phát triển vượt trội và tiềm năng thống trị ngày càng tăng của Amazon trên mọi lĩnh vực như điện toán đám mây, thương mại điện tử, quảng cáo, game, hậu cần, kho bãi, thiết bị thông minh, dịch vụ thanh toán,….đã và đang khiến Công ty này trở thành mục tiêu chỉ trích và kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan quản lý thuộc chính phủ Mỹ nói chung và những nhà lập pháp nói riêng. Tuy nhiên, cũng chính phạm vi ảnh hưởng rộng khắp và tiềm lực của mình, Amazon khiến những nhà lập pháp phải thận trọng hơn trong việc kìm hãm công ty này để tránh tác động đến những khách hàng và doanh nghiệp phụ thuộc vào nó.
VietnamBiz. Ảnh minh hoạ
Mới chỉ cuối tháng 7/2021, các nhà lập pháp Hạ viện Mỹ lãnh đạo một nhóm lưỡng đảng đã đề xuất hàng loạt dự luật mở đường cho sự chia tách của một hoặc nhiều công ty, nhằm giải quyết quyền lực của các công ty công nghệ đang thống trị toàn cầu, bao gồm Facebook, Apple, Google và hiển nhiên Amazon không ngoại lệ. Có thể kể đến một số dự luật tiêu biểu như:
- Dự luật Kết thúc Độc quyền Nền tảng: với mục tiêu trọng tâm là quan hệ của Amazon với người bán, dù nó không trực tiếp nêu tên công ty này.
- Dự luật cấm nền tảng của một công ty công nghệ thống trị sở hữu nhiều ngành nghề kinh doanh tạo ra xung đột lợi ích hoặc có thể được sử dụng để hỗ trợ các dịch vụ của chính nó hoặc cản trở cạnh tranh
- Dự luật Sự đổi mới và Lựa chọn Trực tuyến của Mỹ: cấm Amazon thực hiện hành vi buộc người bán mua sản phẩm và dịch vụ của họ để có thể đủ điều kiện kinh doanh trên nền tảng này. Ngoài ra, dự luật này cũng hướng tới ngăn chặn Amazon sử dụng dữ liệu của người bán để quảng cáo các sản phẩm mang nhãn hiệu công ty cũng như kiểm soát mức giá người bán đưa ra.
Có thể dễ dàng nhận thấy, những công ty này bị những cơ quan quản lý của Mỹ và châu Âu quy vào nhóm công ty tham gia các hoạt động chống cạnh tranh. Trước mối đe doạ này, Amazon nhận thức được nếu các dự luật kia chính thức được phê duyệt, việc kinh doanh của họ sẽ đối mặt với những biến động đáng kể, bắt đầu từ sự sụp đổ của thị trường trung gian khổng lồ. Điều này đồng nghĩa với việc Amazon có thể bị buộc phải dừng vận hành thị trường của người bán bên thứ ba và quay lại khoảng thời gian cung ứng cho khách hàng những món mà họ có. Nói cách khác, hàng triệu người bán, những người phụ thuộc vào thị trường trung gian của Amazon để kinh doanh và những người coi mua sắm mọi thứ họ cần trên sàn thương mại điện tử này phải chịu ảnh hưởng không nhỏ. Trên thực tế, những người theo dõi Amazon lâu năm đang quan tâm sát sao và băn khoăn về việc Amazon có kế hoạch gì nếu dự luật được thông qua khi chúng hoàn toàn có thể ảnh hưởng xấu tới lợi nhuận. Trên quan điểm của chính phủ và các nhà lập pháp, quan hệ của Amazon với những người bán bên thứ ba đã và đang trở thành tâm điểm bị chỉ trích. Một số đã nêu lên lo ngại về việc Amazon sao chép sản phẩm của những người bán này rồi bán chúng với mức giá rẻ hơn khi cậy có đủ quy mô và nguồn lực hơn.
Trong phiên điều trần của Quốc hội năm ngoái, Jeff Bezos – người sáng lập ra Amazon đã phải đối mặt với những câu hỏi gay gắt về việc liệu công ty có sử dụng dữ liệu từ người bán bên thứ ba để hỗ trợ hoạt động kinh doanh mang nhãn hiệu riêng không. Bezos khẳng định Amazon đã xây dựng chính sách cấm làm điều đó, nhưng chính ông cũng phải thừa nhận “không thể đảm bảo rằng việc vi phạm chính sách đó chưa từng xảy ra".
Trong một tuyên bố sau khi các dự luật được thông báo, Brian Huseman – Phó Chủ tịch về chính sách công của Amazon, nói rằng nếu bị buộc phải chọn một hình thức bán hàng, công ty có thể sẽ ngừng hỗ trợ những người bán bên thứ ba, tuy nhiên có khả năng gây tổn hại cho nền kinh tế. Ông khẳng định: "Hơn nửa triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ của Mỹ kiếm sống nhờ thị trường trung gian của Amazon. Theo đó nếu không thể tiếp cận với người dùng của Amazon, những người bán bên thứ ba đó sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tạo ấn tượng cho sản phẩm của họ với khách hàng và kiếm một lượng thu nhập tương đương". Không dừng lại ở đó, Amazon có thể đang cố gắng duy trì một thế mạnh dự phòng khác: hệ thống logistics và đóng gói khổng lồ toàn cầu. Bởi lẽ, hoạt động logistics toàn cầu của Amazon được vận hành bởi cả mạng lưới vận chuyển với máy bay, hệ thống vận chuyển hàng hóa và đội xe tải khổng lồ, cùng với nhiều trung tâm đóng gói hàng hoá quy mô lớn. Chỉ tính riêng đợt tuyển dụng năm 2020, Amazon tuyển khoảng 500.000 nhân viên, nâng tổng số đội ngũ lên hơn 1,3 triệu người.
Cuộc chiến chống độc quyền với Amazon có vẻ sẽ mất một khoảng thời gian, công sức, tiền bạc khổng lồ và sẽ còn tiếp tục có những thay đổi theo thời gian. Nhưng phản ứng ban đầu của gã khổng lồ thương mại điện tử đã dần hé lộ mảng kinh doanh nào sẽ được họ ưu tiên bảo vệ trong thế giới chống độc quyền.
0 Nhận xét