SỐ LƯỢNG CA TỬ VONG DO COVID-19 ĐẠT MỨC BÁO ĐỘNG ĐẨY INDONESIA VÀO TUYỆT VỌNG
Chỉ trong vòng một tháng trở lại đây, với con số 1000 ca nhiễm mỗi ngày, Indonesia đã vượt qua Ấn Độ - tiêu điểm trong đại dịch lần này về số ca nhiễm mới trong ngày và vượt cả Brazil về số ca tử vong trong ngày. Chỉ tính riêng ngày 19/7 vừa qua, trên toàn Indonesia ghi nhận hơn 1300 ca tử vong do dịch Covid-19 và có xu hướng tăng nhanh khi khả năng xét nghiệm và sức chứa của các bệnh viện tại quốc gia sắp đang dần quá tải, dẫn đến thực trạng một bộ phận lớn người bệnh phải tự cách ly tại nhà và gián tiếp gây ra các ca tử vong do không được chữa trị kịp thời. Ông Ahmad Arif – một trong những đồng sáng lập tổ chức Lapor Covid-19 nhận định việc người dân Indonesia tử vong tại nhà do không thể nhập viện vì đã quá tải không chỉ đe doạ tới mạng sống của toàn bộ người dân Indonesia, mà còn là dấu hiệu rõ ràng nhất về sự suy thoái của hệ thống y tế quốc gia nói chung.
Anh Jauhar – tiền thân hoạt động trong ngành truyền hình, hiện đang là một trong những thành viên thuộc đội hỗ trợ gia đình các nạn nhân Covid-19 tại Bogor (ngoại ô thủ đô Jakarta) cho biết anh cùng các thành viên trong đội đã quá quen thuộc với cảnh tượng các gia đình lần lượt mất đi thành viên do đại dịch này. Công việc chính của Jauhar là hỗ trợ các gia đình an táng và chôn cất người đã khuất, lái xe cứu thương chở thi thể cũng như chuẩn bị quan tài, vải liệm. Anh và đồng nghiệp lựa chọn thực hiện công việc này một cách tự nguyện vì thực tế có quá nhiều người chết do đại dịch và dịch vụ tang lễ không thể kiểm soát mọi công việc. Tuy đây chỉ là một khu vực nhỏ trong phạm vi lãnh thổ Indonesia nhưng đã phản ánh thực trạng tồi tệ mà toàn bộ quốc gia này đang đối mặt. Hệ thống y tế yếu kém và quá tải không thể đáp ứng toàn bộ nhu cầu của xã hội trong đại dịch nói chung, trực tiếp dẫn đến con số tử vong khổng lồ cũng như gián tiếp nâng cao tỷ lệ lây truyền trong cộng đồng khi không thực hiện được việc cách ly theo đúng yêu cầu và tiêu chuẩn. Tình trạng này không chỉ dừng lại ở những vùng đông dân của Indonesia mà đã và đang lan rộng tới các vùng hẻo lánh như Kalimantan, Lampung, Riau,…………
Tuy nhiên, các chuyên gia và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực dịch tễ nhận định rằng số ca nhiễm và số người tử vong do Covid-19 trên thực tế có thể gấp 3-4 lần so với những con số được thống kê hàng ngày trên phương tiện thông tin đại chúng. Theo Ông Dicky Budiman – chuyên gia dịch tễ của Đại học Griffith, biến chủng Delta là nguyên nhân chính dẫn tới sự bùng nổ đợt dịch này và cảnh báo chỉ trong vòng một tháng tới, số ca tử vong mỗi ngày tại quốc gia này có thể tăng gấp đôi nếu không thắt chặt công tác truy vết và cách ly với cộng đồng.
Đối mặt với mối đe doạ ngày một đến gần, chính phủ Indonesia đang nỗ lực xây dựng thêm nhiều bệnh viện dã chiến cùng với việc nhập khẩu oxy để phần nào ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của Covid cũng như nguy cơ sụp đổ của hệ thống y tế nói chung. Tuy nhiên, những người đứng đầu quốc gia này cũng phải thừa nhận sự chênh lệch về lực lượng giữa số ca mắc và khả năng đáp ứng của các bệnh viện và cơ sở vật chất vẫn còn quá lớn, cũng như các hoạt động đi lại hầu như không giảm, dẫn tới hiệu quả ngăn chặn dịch bệnh còn nhiều hạn chế. Nghiêm trọng hơn, các bệnh viện Indonesia đang rơi vào tình thế nguy cấp đáng báo động khi ngày càng nhiều nhân viên y tế nhiễm virus SARS-CoV-2. Ông Ahmad Syaifuddin (Giám đốc Bệnh viện Hồi giáo Sunan Kudus) cho biết khoảng 10% (tương đương với 800 nhân viên y tế) ở Kudus đã dương tính với SARS-CoV-2; ngoài ra, khoảng 180 bác sĩ ở Indonesia đã chết vì đại dịch dù được tiêm chủng đầy đủ.
Hà Linh
0 Nhận xét