HOT

6/recent/ticker-posts

HƯỚNG ĐI MỚI TRONG ĐẠI DỊCH CHO CÁC DOANH NGHIỆP DỊCH VỤ

“TRONG CÁI KHÓ LÓ CÁI KHÔN”: CÁC DOANH NGHIỆP F&B ĐÃ VƯỢT QUA KHÓ KHĂN TRONG ĐẠI DỊCH NHƯ THẾ NÀO?

 

Trong lĩnh vực chuyên ngành, F&B viết tắt cho Food and Beverage Service, là các doanh nghiệp hoạt động và tổ chức kinh doanh trong lĩnh vực ẩm thực, nhà hàng và ăn uống như nhà hàng, khách sạn, quán café, bar, pub,…. Có thể thấy, đại dịch Covid-19 bùng nổ đã và đang gây nên những ảnh hưởng nặng nề trực tiếp tới các cửa hàng hoạt động trong lĩnh vực F&B, làm giảm đáng kể doanh số và gây nên nhiều khó khăn, cản trở đối với việc kinh doanh, đặc biệt trước thực trạng giãn cách xã hội như hiện nay tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, “trong cái khó ló cái khôn”, một số cửa hàng đã tìm ra những “lối đi riêng” nhằm duy trì một phần lợi nhuận cũng như không ngưng trệ công việc kinh doanh. Hệ thống cửa hàng trà sữa Phúc Long thuộc Công ty Cổ phần Phúc Long Heritage đã khai trương 27 kios bán đồ uống tại chuỗi cửa hàng Vinmart+ sau khi đạt được thoả thuận về việc bán 20% vốn của Phúc Long cho đơn vị chủ quản của Vinmart+ - Công ty TNHH Vincommerce (công ty con thuộc Tập đoàn Masan). Phương án này không chỉ “chống đỡ” một phần gánh nặng lợi nhuận của hệ thống Phúc Long, mà còn duy trì việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong thời kì giãn cách xã hội.


HƯỚNG ĐI MỚI TRONG ĐẠI DỊCH CHO CÁC DOANH NGHIỆP DỊCH VỤ  - LUẬT TÂN SƠN


Tương tự Phúc Long, Đậu Homemade – một trong những chuỗi bún đậu mắm tôm nổi tiếng tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã tìm ra giải pháp cho việc vận hành kinh doanh chỉ trong vòng 01 ngày tạm ngừng hoạt động hệ thống cửa hàng, đồng thời duy trì số lượng nhân viên tối thiểu và đầu bếp chính. Thay vì việc phục vụ những suất ăn đã chế biến sẵn, Đậu Homemade quyết định chuyển hướng sang kinh doanh sản phẩm đóng gói đông lạnh như: nem cua, nem ốc, nem cốm, ruốc heo, chả cua bể,….. Sau khi tiến hành thanh toán online trên hệ thống, quá trình giao hàng được chính nhân viên của cửa hàng thực hiện và đảm bảo tiêu chí 5k, không tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. Ngoài ra, đối với các khách hàng ở xa, Đậu Homemade cũng hỗ trợ khách hàng mua các nhu yếu phẩm bằng cách kết hợp cùng các đối tác bên thứ ba. Cách thức kinh doanh mới này một mặt bảo đảm lợi nhuận của hệ thống cửa hàng ở mức 10% đến 15%; mặt khác hạn chế tình trạng thất nghiệp của nhân viên và phần nào cung ứng nguồn thực phẩm an toàn cho thành phố.

Bên cạnh hai chuỗi cửa hàng nói trên, có một bộ phận doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang bước vào giai đoạn “xoay xở” tìm cách sống sót giữa đại dịch như The Coffee House, các cửa hàng đồ chay,…. Thay vì phục vụ tại chỗ như trước kia, các cửa hàng này đã đổi sang một loạt sản phẩm đóng gói, đồ uống lon,…..bày bán tại siêu thị và cửa hàng tiện lợi, đồng thời cung ứng trên nền tảng điện tử kết hợp với các chương trình ưu đãi, và tiếp cận với khách hàng thông qua các ứng dụng giao hàng như Baemin, Grab, Now,….. Cách thức này vừa đảm bảo an toàn phần nào cho khách hàng, vừa ngăn chặn nguy cơ đóng cửa do không doanh thu sụt giảm.

HƯỚNG ĐI MỚI TRONG ĐẠI DỊCH CHO CÁC DOANH NGHIỆP DỊCH VỤ  - LUẬT TÂN SƠN


Mặc dù vậy, thực tế cho thấy một bộ phận lớn doanh nghiệp trong lĩnh vực F&B khó có thể hoà vốn khi nguồn cung nguyên liệu đầu vào khan hiếm chỉ có thể nhập với giá cao, chi phí vận chuyển trong thời kì này là không nhỏ cùng hàng loạt chi phí không thể cắt giảm như: chiết khấu cho đối tác, phí xét nghiệm cho nhân viên, hỗ trợ nhân viên sinh hoạt tại cửa hàng,…. Nói cách khác, tuy tìm được hướng đi khả thi cho hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đối mặt với khó khăn chồng chất khó khăn và con đường thoát khỏi tình trạng bế tắc dường như ngày một thu hẹp.

Theo ghi nhận của Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, doanh thu của lĩnh vực dịch vụ ăn uống trong nửa đầu năm 2021 giảm 25% so với cùng kỳ với con số 3.905 tỷ đồng, trong đó doanh thu Quý II năm 2021 giảm 26% so với Quý I và chỉ đạt 15.079 tỷ đồng. Đồng thời, các chỉ số sản xuất, chế biến thực phẩm và đồ uống trong khoảng đầu năm 2021 cho thấy sự suy giảm rõ rệt khi giảm lần lượt 3,1% và 11,2% so với tháng 5. Những con số này đã phản ánh thực tế khó khăn và mong chờ của các doanh nghiệp vào sự chấm dứt của đại dịch lần này.

    Hà Linh

Đăng nhận xét

0 Nhận xét