GÓI TÍN DỤNG ƯU ĐÃI LỚN HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP VÀ BẤT CẬP TRÊN THỰC TẾ
Trong thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát đe doạ trực tiếp tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trên cả nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã kịp thời đặt ra các chính sách cho phép tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại khoản nợ, giảm chi phí thanh toán, giảm tiền lãi trên mỗi khoản vay cũng như các biện pháp tài chính khác nhằm củng cố nguồn vốn vận hành doanh nghiệp, hạn chế tình trạng suy yếu và hỗ trợ người dân nói chung vượt qua những khó khăn trước mắt.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành Thông tư số 03/2021/TT-NHNN quy định cụ thể về việc cơ cấu lại thời hạn thanh toán đối với số dư của các khoản nợ từ cho vay, cho thuê tài chính phát sinh lần cuối vào ngày 09/06/2020 cũng như các khoản nợ phát sinh nghĩa vụ thanh toán nợ gốc hoặc tiền lãi trong thời hạn kéo dài từ 23/01/2020 đến hết 31/12/2021 (Khoản 2 Điều 1 Thông tư 03/2021/TT-NHNN) nhằm hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp nói riêng và khách hàng nói chung trong mùa dịch.
Tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp mùa dịch. Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, một bộ phận ngân hàng đã chủ động thực hiện những chính sách riêng thông qua việc phát hành các gói vay ưu đãi dành cho khách hàng khi đáp ứng đủ những điều kiện cơ bản nhất định, cụ thể:
- BIDV: tung ra gói tín dụng ngắn hạn với quy mô chạm mức 10.000 tỷ đồng, lãi suất rơi vào khoảng từ 3,8% - 6,5%/năm, kỳ hạn từ 03 đến 09 tháng và tập trung chủ yếu vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu;
- Vietcombank: triển khai 03 gói vay ưu đãi dành cho các doanh nghiêp nhỏ và vừa, các hợp tác xã,... theo kỳ hạn như sau:
(i) Khoản vay có kỳ hạn tối đa 12 tháng: trong 06 tháng đầu tiên, mức lãi suất đối với khoản vay này chỉ 6,79%/năm
(ii) Khoản vay kéo dài từ trên 12 tháng đến 24 tháng: lãi suất được ấn định vào mức 6,99%/năm trong vòng 06 tháng đầu tiên vay.
(iii) Khoản vay từ 24 tháng trở lên: lãi suất 7,29%/năm đối với 12 tháng đầu tiên của gói vay
- VietinBank: thông qua chương trình “VietinBank SME Stronger 2021 - Sung sức vươn xa”, ngân hàng Vietin đã cho ra mắt ba gói giải pháp tối ưu nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, bao gồm:
(i) Gói V-SME 1: cung cấp mức lãi suất ưu đãi kết hợp với miễn, giảm phí tạo cơ hội cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất và kinh doanh
(ii) Gói V-SME 2: tổng hợp các chính sách ưu đãi trên cơ sở ngành nghề, nhu cầu hay đặc thù về quy mô/nhân sự/vốn/… của các doanh nghiệp nhỏ và vừa
(iii) Gói V-SME 3: hỗ trợ kết nối trong và ngoài nước để doanh nghiệp nhỏ và vừa mở rộng phạm vi hoạt động, tăng cường quan hệ hợp tác trong nước nói riêng và các quốc gia trên thế giới nói chung.
Trên đây chỉ là một số ví dụ tiêu biểu thể hiện nỗ lực của các tổ chức tín dụng nói chung trong việc cùng nhau hỗ trợ các doanh nghiệp, khách hàng trên cả nước có thể “đứng vững” dưới sức ép của đại dịch Covid-19 lên nền kinh tế nói chung. Theo số liệu thống kê ghi nhận được từ thời kì đầu bùng phát dịch, các tổ chức tín dụng trên toàn quốc đã thực hiện miễn/giảm/hạ thấp mức lãi suất đối với hơn 663 nghìn khách hàng với tổng dư nợ lên tới 1,27 triệu tỷ đồng, cơ cấu thời hạn trả nợ đối với 262 nghìn khách hàng với mức dư nợ vào khoảng 357 nghìn tỷ đồng; ngoài ra tiến hành cho hơn 456 nghìn khách hàng vay mới với lãi suất ưu đãi ở mức 3,16 triệu tỷ đồng.
Tuy nhiên, những kết quả đáng ghi nhận trên đây mới chỉ phản ánh một mặt thực trạng hiện nay. Trên thực tế, song song với những doanh nghiệp được hỗ trợ tối đa về tài chính, vẫn tồn đọng một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp không đủ khả năng tiếp cận những gói ưu đãi hấp dẫn mà ngân hàng đặt ra. Cụ thể, khi muốn tiếp cận và nhận hỗ trợ từ phía tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp phải đáp ứng và chứng minh hàng loạt điều kiện như: lập báo cáo kiểm toán, chứng minh khả năng trả nợ sau khi cơ cấu, chứng minh tính thanh khoản,… hay những điều kiện cụ thể: giảm 30% doanh thu và giảm 50% lao động để tiếp cận gói 62.000 tỷ đồng theo Nghị quyết Chính phủ, nguồn vốn vay giá rẻ tại ngân hàng lớn thường đi kèm thủ tục vay rườm rà và hạn mức thấp,... Những thủ tục này được đánh giá là không chỉ phức tạp, mà còn đính kèm điều kiện khó đáp ứng, gây nên nhiều bất cập, chậm trễ trong quá trình tiếp cận gói ưu đãi đối với cả những doanh nghiệp lớn cũng như doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ được hỗ trợ trong mùa dịch Covid-19. Nguồn: HoaTiêu
Theo đó, tuy chủ trương và chính sách nhà nước hướng tới mục tiêu khá thiết thực và hữu ích, nhưng cần có những giải pháp thực tế hơn nữa để có thể tiếp cận gần hơn với doanh nghiệp và khách hàng.
Hà Linh
0 Nhận xét