NỘP THUẾ “HỘ”NGƯỜI BÁN – TRÁCH NHIỆM MỚI ĐẶT TRÊN VAI THỊ TRƯỜNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế và mạng Internet, mua hàng online dần trở nên phổ biến và trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu của người mua hàng, đặc biệt trong mùa dịch. Theo số liệu thống kê, có khoảng 3,5 triệu giao dịch/ngày được thực hiện trên mọi sàn giao dịch điện tử như Shopee, Lazada, Sen Đỏ,….. Với số lượng người mua ổn định và phủ sóng khắp mọi sản phẩm hàng hoá, dịch vụ nhưng hoạt động trên sàn giao dịch “ảo”, một bộ phận không nhỏ người bán tuy thu về nguồn lợi khổng lồ nhưng vẫn “đứng ngoài” nghĩa vụ nộp thuế.
Từ góc nhìn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý thuế, thực tế này ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn thu của ngân sách nhà nước, đồng thời tạo ra những kẽ hở khi nghĩa vụ nộp thuế này không được quy định rõ ràng. Để khắc phục tình trạng này, Bộ Tài chính mới đây đã ban hành Thông tư 40/2021 ấn định việc khấu trừ trực tiếp thuế trên doanh thu người bán; cụ thể, thông qua việc kê khai các khoản thu (bao gồm doanh thu) mà các cá nhân kinh doanh nhận được từ mọi hình thức thanh toán, các sàn thương mại điện tử nơi các cá nhân đó hoạt động sẽ tiến hành kê khai thay và nộp thuế thay cho người kinh doanh. Thông tư này có hiệu lực từ đầu tháng 8 năm nay, tuy nhiên có thể được áp dụng dần dần theo từng lộ trình để các sàn giao dịch có thể kịp thời chuẩn bị về nhân sự, phương án và hệ thống. Hiện nay, theo quy định pháp luật hiện hành, đối với mức thu nhập đạt 100 triệu đồng/năm, cá nhân kinh doanh phải thực hiện nghĩa vụ đối với hai khoản thuế chính là thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng, với mức đóng lần lượt là 0,5% và 1%.
Mặc dù vậy các sàn thương mại điện tử nói chung đang đặt ra ý kiến trái chiều khi cho rằng nội dung này chưa hợp lý và ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động kinh doanh của các sàn thương mại điện tử này. Cụ thể, Hiệp hội thương mại điện tử (Vietnam E-Commerce Association – VECOM) cho rằng nội dung này không được đưa vào dự thảo để thông qua trước khi ban hành Thông tư 40; đồng thời sự thay đổi này có thể gây nên những xáo trộn khi các sàn thương mại điện tử chưa kịp chuẩn bị về nhân sự và kỹ thuật để mang lại hiệu quả tối đa. Hiệp hội này cũng khẳng định với vai trò cung cấp không gian và hạ tầng kết nối người mua với người bán, không trực tiếp là đơn vị “trả thu nhập”, các sàn thương mại điện tử hiển nhiên không thuộc nhóm đối tượng kê khai và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Đồng thời, việc đảm nhận nghĩa vụ kê khai và thu hộ thuế sẽ phát sinh đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng phần mềm, thu thập và xác định thông tin về các khoản doanh thu chịu thuế, thuế suất đi kèm, tính toán khoản thuế cần phải nộp,……và vô hình tạo nên áp lực về kinh tế đối với mỗi sàn thương mại điện tử. Theo đó, đại diện các sàn thương mại điện tử khẳng định nội dung quy định tại Thông tư 40 này chỉ nên áp dụng với các sàn kiêm nghiệm chức năng thanh toán trung gian giữa người mua – người bán.
Phản hồi những khúc mắc mà các sàn thương mại điện tử đặt ra, Phó Vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh khẳng định việc áp dụng các quy định trong Thông tư 40 sẽ được tiến hành theo từng giai đoạn để các sàn thương mại điện tử kịp thời chuẩn bị. Ngoài ra, bà cho rằng sàn thương mại điện tử tuy không trực tiếp trả tiền nhưng quản lý được tổng quát toàn bộ doanh thu bán hàng của các cá nhân kinh doanh bởi hiện nay, mọi cá nhân kinh doanh phải kết nối với ví được mở trên sàn, thông qua đó thể hiện toàn bộ doanh thu của người bán và mọi khoản thu nhập đều chạy qua ví của các sàn thương mại điện tử. Do đó họ có nghĩa vụ kê khai và nộp thuế thu nhập cho các cá nhân này.
Hà Linh
0 Nhận xét