HOT

6/recent/ticker-posts

KIỀU HỐI - "PHAO CỨU SINH" GIỮA MÙA DỊCH

THẾ GIỚI TỪNG DỰ ĐOÁN, DƯỚI TÁC ĐỘNG CỦA ĐẠI DỊCH COVID-19, KIỀU HỐI CÓ XU HƯỚNG GIẢM MẠNH. TUY NHIÊN THỰC TẾ THÌ SAO?


"Kiều hối” không còn là khái niệm xa lạ với xã hội nói chung và thị trường nói riêng, đặc biệt với những cá nhân, gia đình có người xuất khẩu lao động hay học tập, làm việc tại nước ngoài. Về bản chất, kiều hối đơn giản là khoản tiền được chuyển từ những người đang sinh sống, làm việc tại nước ngoài đến thân nhân tại quê hương. Khoản tiền này được coi như một nguồn thu nhập hợp pháp và phổ biến; đặc biệt tại nhiều quốc gia, kiều hối được xếp ở vị trí cao hơn cả viện trợ quốc tế.

Theo dự đoán của Ngân hàng Thế giới, chịu ảnh hưởng chung của đại dịch Corona, lượng kiều hối sẽ giảm mạnh; tuy nhiên, đi ngược lại với dự đoán này, tiêu biểu tại các nước đang phát triển với nền kinh tế khó khăn, thu nhập người dân không ổn định, kiều hối được coi như “phao cứu sinh” và là nguồn thu nhập chính với không ít gia đình. Aiza Bolo, người Philippines, thừa nhận cả gia đình cô hiện nay chỉ sống dựa trên nguồn tiền 950 USD/tháng của người anh gửi về từ Dubai. Bởi từ thời điểm đại dịch bùng phát, mọi thu nhập của gia đình Bolo gần như cạn kiệt và chỉ có thể trông chờ vào khoản cứu trợ này. Tương tự Aiza Bolo, Guerra – người bán rau tại Honduras cho biết phần lớn thu nhập trong mùa dịch của anh và các anh chị em của mình đến từ người mẹ đang làm công việc dọn dẹp tại Mỹ. Có thể thấy, dòng tiền kiều hối giữa mùa dịch không còn đơn thuần là khoản hỗ trợ mà thậm chí được coi như nguồn thu chính đối với hàng triệu gia đình, giúp họ chi trả những khoản phí bắt buộc như tiền học, tiền sinh hoạt, chăm sóc sức khoẻ,….. Theo đó, nhìn một cách tổng quan, nguồn tiền đến từ những người sinh sống, làm việc tại nước ngoài cũng hỗ trợ phần nào cho Chính phủ những quốc gia nơi số ca nhiễm không có dấu hiệu suy giảm và chịu ảnh hưởng nặng nề về kinh tế.

 

KIỀU HỐI - "PHAO CỨU SINH" GIỮA MÙA DỊCH - LUẬT TÂN SƠN


Theo số liệu chính thức, lượng kiều hối thế giới năm 2020 đạt mức 702 tỷ USD, chỉ giảm 2,4% và chưa chạm mức một nửa so với mức sụt giảm do khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009 gây ra; trong đó mức kiều hối tại các nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình chỉ giảm khoảng 1,4%. Tuy nhiên, những con số này đều nằm ngoài dự đoán của Ngân hàng Thế giới, bởi lẽ con số được ước tính vào đầu năm 2020 là 20% và giảm dần xuống 14% vào khoảng mùa thu năm 2020. Ngoài ra, lượng kiều hối đổ vào Mỹ Latin và Caribe được ghi nhận tăng 6,5% so với năm 2019, bắt nguồn từ sự phục hồi nhanh chóng và mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ .

Số liệu phản ánh nêu trên xuất phát từ hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, những người sinh sống, làm việc tại nước ngoài cho rằng người thân tại quê nhà của họ cần nhiều tiền hơn để chống chọi qua đại dịch, do đó bỏ qua những khó khăn và rào cản trước mắt, 70% số người được hỏi về vấn đề này đều tìm mọi cách gửi tiền về nước. Thứ hai, chính sách hỗ trợ tài chính đến từ chính phủ các quốc gia phát triển, nền kinh tế vững mạnh đã đảm bảo nguồn thu nhập ổn định cho người lao động nhập cư, khiến họ không chịu quá nhiều tác động vào tài chính từ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, theo thống kê thực tế, có những chuyển biến về cách thức phân chia và sử dụng tiền tại các hộ gia đình nhận được kiều hối. Cụ thể, thay vì trang trải các yếu tố như giáo dục, nhu cầu cá nhân hay giải trí, các gia đình tập trung chủ yếu vào lương thực, sinh hoạt chung hay trang bị y tế,…. – những khoản chi được đánh giá là cơ bản và thiết yếu trong hoàn cảnh bùng phát dịch như hiện nay.

Hà Linh

Đăng nhận xét

0 Nhận xét