VÌ SAO TRANH CHẤP LAO ĐỘNG TẬP THỂ LẠI XẢY RA THƯỜNG XUYÊN?
Tranh chấp lao động tập thể là tranh chấp xảy ra giữa tập thể người lao động (NLĐ) với người sử dụng lao động (NSDLĐ), các tranh chấp này phát sinh khi quyền, lợi ích của các bên có sự xung đột với nhau. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19 bùng phát, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong vấn đề tài chính dẫn đến việc chậm trả lương hoặc khiến nhiều lao động phải nghỉ việc nên có nhiều tranh chấp xảy ra.
Tranh chấp lao động tập thể có hai loại bao gồm: tranh chấp lao động tập thể về quyền và tranh chấp lao động tập thể về lợi ích. Các vụ tranh chấp lao động tập thể xảy ra tại những địa phương tập chung nhiều khu công nghiệp như ở Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh,...
Hình ảnh về đình công. Nguồn: Tạp chí Tài chính
Tranh chấp lao động xảy ra có ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của các doanh nghiệp và đời sống của người lao động. Vì vậy giải quyết các tranh chấp lao động tập thể một cách ổn thỏa sẽ góp phần giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất và bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ. Các tranh chấp lao động tập thể xảy ra tại các doanh nghiệp ở Việt Nam xảy ra bởi một số lý do sau:
- Về phía Doanh nghiệp, các doanh nghiệp có những vi phạm liên quan đến tiền lương, tiền thưởng, chế độ bảo hiểm xã hội hay về hợp đồng lao động. Liên quan đến vấn đề tiền lương, phụ cấp, thưởng…. nhiều doanh nghiệp chậm trả lương cho NLĐ hoặc mức lương, phụ cấp, thưởng không đồng đều nên có sự so sánh. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp chưa đảm bảo được môi trường làm việc an toàn và chế độ ăn uống gây ảnh hưởng đến sức khỏe cho NLĐ trong doanh nghiệp của mình.
- Về phía NLĐ, nhìn chung lao động Việt Nam làm việc tại các khu công nghiệp có trình độ chuyên môn kỹ thuật chưa cao, hiểu biết về pháp luật lao động còn hạn chế nên chưa đứng lên tự bảo vệ mình được. Về điều kiện làm việc, môi trường làm việc, chế độ lương, thưởng chưa đảm bảo nên gây nhiều bức xúc.
- Về phía tổ chức công đoàn ở cơ sở, thực tế trong các doanh nghiệp tổ chức công đoàn hoạt động chưa hiệu quả, nên khi có tranh chấp xảy ra việc can thiệp, hòa giải không kịp thời. Bên cạnh đó, nhiều vụ đình công trong doanh nghiệp xảy ra tự phát, người lao động tự ý nghỉ việc nên việc can thiệp của tổ chức công đoàn gặp khó khăn. Ví dụ, đầu năm 2021, khoảng 180 lái xe của nhà máy Xi măng Sông Lam ở Nghệ An đã tự ý tổ chức ngừng việc tập thể vì cho rằng thưởng Tết không công bằng.
Để tranh chấp lao động tập thể không xảy ra cần có những giải pháp cụ thể:
- Thứ nhất, các doanh nghiệp cần có các chính sách đãi ngộ xứng đáng cho NLĐ, đảm bảo các điều kiện về vật chất, môi trường làm việc phải đảm bảo an toàn để NLĐ yên tâm làm việc. Các chính sách đối với NLĐ phải minh bạch rõ ràng, công khai để NLĐ nắm bắt kịp thời.
- Thứ hai, NLĐ phải tích cực học hỏi nâng cao tay nghề để đáp ứng được yêu cầu công việc. Tích cực tìm hiểu các vấn đề pháp luật liên quan đến các chính sách đối với NLĐ, pháp luật về giải quyết tranh chấp lao động tập thể... để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính NLĐ khi có tranh chấp xảy ra.
- Thứ ba, tổ chức công đoàn ở các doanh nghiệp tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về lao động cho NLĐ tại doanh nghiệp của mình. Tăng cường công tác hòa giải, đối thoại tại nơi làm việc khi có bất đồng xảy ra. Công đoàn các cấp phải tích cực phối hợp với nhau để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình và đề ra các giải pháp phòng ngừa tranh chấp lao động tập thể.
Trong 03 tháng đầu năm 2020, tại Bình Dương đã xảy ra 10 vụ tranh chấp lao động tập thể và đình công. Công đoàn Bình Dương đã phối hợp với các cơ quan chức năng kịp thời giải thích, đề nghị NSDLĐ giải quyết các kiến nghị của NLĐ và vận động người lao động quay trở lại làm việc.
Công đoàn là tổ chức đại diện cho tiếng nói của NLĐ vì vậy tổ chức công đoàn phải phát huy vai trò trách nhiệm của mình xứng đáng là tổ chức đại diện bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Hồng Thắm
0 Nhận xét