KHÁI NIỆM, ĐẶC ĐIỂM VÀ CÁC PHƯƠNG THỨC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP THƯƠNG MẠI
TRANH CHẤP THƯƠNG MẠI LÀ GÌ?
Tranh chấp thương mại có thể được hiểu là những mâu thuẫn giữa các bên trong quan hệ thương mại về quyền và nghĩa vụ.
ĐẶC ĐIỂM CỦA TRANH CHẤP THƯƠNG MẠI
- Về chủ thể
Một tranh chấp được coi là tranh chấp thương mại khi có ít nhất một bên chủ thể là thương nhân. Như vậy, tranh chấp đó có thể nảy sinh giữa các thương nhân với nhau hoặc giữa thương nhân và một chủ thể khác không phải là thương nhân. Tuy vậy, trên thực tế vẫn có những trường hợp các bên trong tranh chấp không phải là thương nhân, ví dụ như tranh chấp giữa các cá nhân, tổ chức là thành viên công ty với công ty, tranh chấp giữa các thành viên trong công ty với nhau …
- Về căn cứ phát sinh
Các tranh chấp thương mại phát sinh hầu hết do có sự vi phạm về quyền và lợi ích giữa các bên hay do có sự vi phạm pháp luật của một bên gây ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của bên còn lại,
Một số quan hệ tranh chấp thương mại thường gặp có thể kể đến như:
• Tranh chấp phát sinh từ các hoạt động: mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; cho thuê, xây dựng, vận chuyển hàng hóa, gia công, mua bán cổ phiếu, trái phiếu, liên kết kinh doanh…
• Tranh chấp phát sinh liên quan đến vấn đề sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ...
• Tranh chấp phát sinh từ hoạt động kinh doanh khác,…
CÁC PHƯƠNG THỨC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP THƯƠNG MẠI
Thông thường các tranh chấp thương mại sẽ được giải quyết thông qua bốn phương thức:
Thứ nhất, thông qua thương lượng
Đây là phương thức được ưu tiên sử dụng đầu tiên, đây cũng là phương pháp được nhà nước khuyến khích sử dụng trên cơ sở tôn trọng sự thỏa thuận của các bên. Và trong thực tế, phần lớn các tranh chấp thương mại được giải quyết thông qua thương lượng
Thứ hai, thông qua hòa giải
Là phương thức giải quyết tranh chấp thông qua bên thứ ba, thường là hòa giải viên tại các trung tâm hoa giải. Các bên sẽ cùng nhau thỏa thuận, đưa ra một phương án giải quyết mà các bên đều hài lòng. Vai trò của hòa giải viên là xúc tác, giữ sự hài hòa thiện chí giữa và có thể đề xuất phương án giải quyết để các bên tham khảo.
Thứ ba, thông qua thủ tục trọng tài
Căn cứ theo quy định tại Điều 2 Luật Trọng tài thương mại năm 2010, trọng tài có thẩm quyền giải quyết đối với các tranh chấp sau:
- Tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại.
- Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có thực hiện hoạt động thương mại.
- Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật cho phép được giải quyết bằng trọng tài.
Như vậy, khi các bên lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thì thì Trọng tài sau khi xem xét sự việc, sẽ đưa ra phán quyết có giá trị cưỡng chế thi hành đối với các bên.
Thứ tư, thông qua Tòa án
Đây là phương thức mà các bên thông qua cơ quan tiến hành tố tụng để giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên Tòa án chỉ giải quyết khi có yêu cầu của các bên tranh chấp và tranh chấp đó phải thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Phán quyết của tòa án được đảm bảo thi hành bằng sức mạnh quyền lực nhà nước.
Phương Linh
0 Nhận xét